tiếp nữa. Nhưng, số trẻ con đi học tụt xuống chỉ còn một nửa. Giữa lớp,
Thiêm đốt một đống lửa lớn cho học trò sưởi. Anh dạy ngày ba buổi để bù
thời gian mưa đá gián đoạn việc học. Tan lớp, Thiêm vội vã tìm đến nhà
các em học sinh vắng mặt. Trở về, mặt như người mất máu, anh lo sợ đến
bần thần. Khác hẳn những lần đã trải, lần này Thiêm linh cảm thấy sức
mình có vẻ khó đương cự nổi.
Hố pẩu đang ngồi như tượng bên bếp lửa, nhìn ra thấy Thiêm vừa qua
cửa bước vào, liền gầm mặt, đưa mui tay chùi đuôi con mắt. Thiêm ngồi
xuống chiếc ghế rơm, giọng lạnh buốt:
- Từ nay hố pẩu đừng gọi tôi là dở sấu nữa nhé. Tôi xấu hổ quá rồi.
Không ngước dậy, mắt chớp chớp, ông già đáp buồn rầu:
- Tôi biết lòng thầy. Thầy đừng nghĩ xấu cho tôi. Thầy không giống
với kẻ nhìn tưởng là đầy đặn mà hoá ra là trống không. Thầy thuộc loại
người có mà như không.
Thiêm lên giọng, xót xa:
- Thế hố pẩu có còn coi tôi là người La Pan Tẩn không?
- Trước thế nào, nay vẫn thế thôi.
- Thế thì tôi nói thế này. Ông nội tôi nói: phải dẫm lên dấu chân hổ mà
đi. Đường đi vốn lắm dốc, nhiều đèo. Ta không nên than thở, không nên
than van. Đừng như thân mồ côi nhìn mặt trời khóc, nhìn mặt trăng khóc.
Mưa đá. Băng giá. Lũ lụt. Đó là việc của trời. Muốn làm được việc của
mình, con người phải mạnh hơn. Vì vậy, tôi vẫn quyết định thực hiện kế
hoạch xây dựng Toà lâu đài văn hoá La Pan Tẩn. Dù rằng có kéo dài thời
gian thêm vài năm nữa là mười lăm năm. Bây giờ, tôi ở đây đã hơn mười
ba năm rồi.
Hố pẩu nhơm nhớm nước mắt, ngàn ngạt:
- Biết là khó nhưng không ngờ khó đến thế!
Thiêm tiếp: