Quốc Thanh nghiến răng. Thiêm rít:
- Tôi yêu cầu không được làm thế. Làm thế là làm hại cho cách mạng.
Làm thế là đổ dầu vào lửa, là mất lòng dân. Là sẽ bị lợi dụng. Là sẽ gây náo
loạn trong thôn bản.
Ngừng một giây lấy hơi, Thiêm lại gay gắt dồn dập:
- Người Mèo La Pan Tẩn mỗi khi đẻ một con trai, việc đầu tiên là sắm
cho nó một khẩu súng. Khi người đàn ông chết, trên nắp cỗ quan tài, có
một cây nỏ, cây nỏ đi với linh hồn ở thế giới bên âm. Súng, nỏ, dao nhọn là
vật bất ly thân, là vật sở hữu riêng, gắn bó với đời sống, trở thành tập quán
của người ta. Đừng có tước đoạt sở hữu sinh hoạt của người ta. Hơn nữa,
ông hãy là người ta, để hiểu rằng: đó là sức mạnh, sự bảo hiểm, năng lực tự
vệ và vẻ đẹp nam nhi của họ, không một kẻ nào được quyền tước đoạt.
- Im đi!
- Tôi yêu cầu không được khinh suất!
- Tôi ra lệnh.
- Không được!
- Câm!
Tiếng quát lớn hết cỡ của Quốc Thanh đã chặn mạch nói của Thiêm.
Hai mắt hất ngược lên dữ tợn, Quốc Thanh im lặng đến nửa phút, rồi như ở
trạng thái tâm thần phân liệt, bất giác ông đờ ra giây lát, rồi bật cười hế hế:
- Giáo Thiêm! Đừng có đem ngáo ộp ra doạ con nít. Chó chúa định bắt
nạt chó nhà đấy à? Tất cả lý sự về truyền thống tập quán, sở hữu con khỉ
con tiều gì đó của anh đối với tôi là vô nghĩa. Chúng tôi coi thường hết quá
khứ, đoạn tuyệt tất, cắt đứt tất. Chúng tôi không sợ gì mà không sử dụng vũ
khí chuyên chính, tước đoạt cả. Dù có chết hết dân ở cái xã này thì cũng
phải giữ vững nguyên tắc ấy. Mọi cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết
tự vệ. Còn anh, như tôi đã nói rồi đấy, tôi vốn lỳ, đừng có qua mặt tôi,
nhưng khi xử lý tôi nặng về tình, xét anh có quá trình, có công lao, nên tôi
cho anh một cơ hội để lập công chuộc tội. Giấy bút đây rồi. Viết!