sử thật khe khắt. Cuộc kiếm sống nhọc nhằn, đấu tranh cách mạng gay gắt
là môi trường đào tạo duy nhất của ông. Ông không có cơ sở căn bản để gạt
bỏ cái thô, tiếp nhận cái tinh, bỏ qua cái tạm thời, tiếp nhận cái vĩnh cửu,
vượt qua sự kiện để đạt tới tầm nhân văn lớn lao. Tham gia cách mạng từ
một việc tình cờ, ông đứng vào hàng ngũ chiến sĩ không phải do từ một nhu
cầu nội tại, đó cũng là một căn cứ để thông cảm với sự non kém về tư cách
chiến sĩ của ông.
Hố pẩu nói: ông bị ngoại vật nhuốm tạp nhiều là có lý. Ông không đủ
sức như nhiều người để ra khỏi môi trường sản sinh. Ông vô nghề, ông ở
trong đám người tạp nham, ở gần dưới đáy xã hội, nơi ứ đọng các thói xấu
cổ truyền. Không có văn hoá chế ngự, cải biến, số ít người này nhiều khi
không thoát khỏi những ham hố tầm thường, những thói lệ thông tục, nhất
là thói vụ lợi và tính bạo hành.
Ông Quốc Thanh chẳng đại diện cho ai. Như hố pẩu biểu tượng của sự
minh triết dân gian. Ông là một cái thai đẻ non, tiên thiên bất túc, một thứ
lộn sòng, là kẻ mạo danh điều cao cả. Ông là cái cá biệt nẩy nòi từ cái xô
bồ, hỗn độn. Là cơn đam mê sắc dục, mộng mị quái gở, là thói háo danh, tự
mê mình lố bịch. Ông là hạt sạn, là cái thất thiệt mà bất cứ phong trào nào
cũng có và phải gánh chịu. Ông là cái hình rỗng không. Mạo nhận quyền
lực, ông tự cho phép mình tuỳ tiện đặt ra các nguyên tắc vận hành một cuộc
sống. Cuộc sống đâu có phải là trò chơi trong tay ông, cuộc sống là nghiêm
chỉnh có phép tắc luật lệ.
Kềnh! Kềnh! Kềnh!…
Ra khỏi trụ sở uỷ ban, trên đường về trường, đang trong những suy
nghĩ rối bời, Thiêm chợt nghe thấy tiếng chiếc dùi đập vào cái vành xe ô tô,
mở đầu một hồi kẻng bất thường. Thiêm vội chạy thẳng về trường.
Ông Quốc Thanh lùng bùng trong cái áo dạ dài ngoại cỡ đang vung
tay nện liên tiếp mấy dùi vào chiếc kẻng treo ở đầu hồi lớp học. Không bó
buộc được Thiêm viết công văn thì ông đánh kẻng triệu tập cán bộ xã, các
đầu ngành đầu giới các thôn để phổ biến chủ trương thu hồi súng đạn vũ
khí.