Chương 15
Độc ác và ngu xuẩn, hai sợi dây song song níu kéo con người vào cội
nguồn dã thú xa xăm, lại cũng chính là những dây dợ buộc thắt Thiêm từ
ngày Thiêm lên dạy học ở La Pan Tẩn bản Mèo xa xôi; đã là năm thứ mười
lăm Thiêm lập thân, lập nghiệp ở đất này.
Sau trận mưa đá tàn hại được dân làng coi như một đòn trừng phạt của
đấng cao xanh đối với thái độ bất kính và những sơ sẩy của con người,
những gì đã kiến lập được bằng cưỡng chế, mệnh lệnh, bằng phong trào
bồng bột từ động cơ vị kỷ và huênh hoang, đều đổ vỡ tan tành trong chốc
lát. Cuộc sống lui trở lại điểm khởi đầu với vốn liếng tự có của nó.
Điều nọ thật là hiển nhiên và hợp với lẽ phải thông thường. Làm sao
con người lại có thể dự liệu được tất cả, khi nó chỉ là một kẻ tiên thiên bất
túc, một khuyết thể của tự nhiên và lịch sử! Tiếc cho tất cả những ai có hiểu
biết như điều vừa trình bày, vì ông Quốc Thanh một mực chủ trương lịch sử
chẳng là cái quái gì hết; cuộc sống phải do chủ quan ông lập ra và nguyên
do của tất cả sự thất bại vừa qua chỉ là ở hai điểm: quần chúng còn quá ư
lạc hậu và Thiêm. Chính là Thiêm, kẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng
phong kiến chống đối, lại nhiễm thói ganh tỵ ích kỷ, nên đã xui nguyên
giục bị, lũng loạn tư tưởng quần chúng, phá hoại phong trào.
Cuộc họp rút kinh nghiệm giữa Quốc Thanh và ông Đường Xuân Ân
phó bí thư không hề đả động đến bất cứ một chi tiết nào trong hành vi bất
cẩn, thiếu hiểu biết của họ, kể cả chủ trương thu súng đạn cá nhân đồng
bào, họ chỉ bổ khuyết một điểm duy nhất vào các chủ trương công tác:
Mạnh tay chuyên chính hơn nữa! Thế thôi!
Tiếp tục chương trình đã đặt, ông Quốc Thanh phóng ra một kế hoạch
củng cố phong trào gồm mười điểm, trong đó điểm thứ nhất là triệt để thu
hồi vũ khí cá nhân, triệt bỏ các lò rèn đúc súng đạn, làm cung nỏ, giáo
mác… Phối hợp với huyện, ông Quốc Thanh bắt dân trong toàn xã từ 16