vẽ phác hình ảnh toà lâu đài văn hoá ra, chúng em sẽ hì hụi làm. Ta sẽ học
lại từ chữ a, ta sẽ đếm từ số 1. Loại người như Trần Đổng không công nhận
thầy thì mặc họ. Chúng em đón thầy, đứng quanh thầy. Thầy là của chúng
em.
Thầy ơi, thầy lên ngay La Pan Tẩn nhé, không cô người Kinh hết nước
mắt nhớ thương, còn chúng em không biết đặt tay đặt chân vào đâu cả, thầy
à…
Cả mấy mâm ăn trên cỗ ghế ngựa, trên bàn, trên chiếu trải dưới nền
nhà, nghe thư La Pan Tẩn xong, cùng lặng phắc.
Lát sau, một ông già nhất đám ngồi cạnh Thiêm, đầu gục gặc, sụt sùi:
- Tiếc là ông nội đi sớm mấy ngày.
Một ông trung niên từ mâm bên, ngảnh sang, cất tiếng oang oang giữa
ồn ào:
- Chú Thiêm định thế nào? Nhân tiện có các cụ ở đây, xin ý kiến các
cụ luôn thể đi.
Ông già ngồi cạnh Thiêm vòng tay ôm gối, chẹp môi:
- Mắt mũi thế, cứ chữa cái đã. Đi đâu mà vội.
- Này, người ta mời thầy lên, nuôi thầy dạy dỗ cho con em mình, là cái
cách mở mang dân trí hay đấy, các bác ạ. - Ông trung niên quay sang
Thiêm bình luận, tiếp:
- Thế thì chi bằng mở ngay trường tư thục ở quê mình đây này, chú
Thiêm.
- Mấy năm nay trẻ con nhà mình kém quá. Chả được cái giải văn giải
toán gì cả? Ngày xưa, ông thân sinh chú Thiêm ấy à, đỗ đầu cả tỉnh nhá!
- Không học hành thì thành lưu manh. Mà học hành dang dở trí thức
không thành thành trí ngủ cũng nguy.
- Thì tự xưa đã nói: nhân bất học bất tri lý rồi còn gì.
Ồn ào, người nói qua, kẻ nói lại. Ông trung niên lần này nghển cả
người dậy, cao giọng: