Tú mười ba tuổi, nhỏ nhắn, tóc bò liếm, đứng dậy, tay cầm tờ giấy gấp
đã mở sẵn:
– Thưa thầy, em xin đọc lá thư của anh trai em là bộ đội biên phòng
gửi cho chị dâu em ạ. “Gửi em kính mến. Anh đã nhận được thư em hồi bẩy
giờ ba mươi phút ngày hai mươi mốt tháng tư vừa rồi. Anh không ngờ, em
ở nhà, học bổ túc mà viết thạo và chữ lại đẹp thế! Nhưng khen chữ em viết
mà lòng anh buồn rầu. Anh vừa đi đổi gác ở trên cầu biên giới về. Tại sao
có con rồi mà em còn nghĩ đến ăn lá ngón chết? Hay là em định thử lòng
anh? Mình không là đất. Mình không là hạt thóc. Nếu em chết, con không
có ai làm mẹ. Bố mẹ không có ai làm con…”
Quay mặt ra cửa lớp, Thiêm bật cười thầm. Phải lấy cả thư gia đình
các em để làm bài tập đọc thay sách giáo khoa. Chuyện này kể lại, ai tin?
Nhìn Tú, Thiêm niềm nở:
- Em Tú đọc rõ ràng, diễn cảm tốt. Thầy cho em Tú điểm năm, điểm
cao nhất. Các em thấy đấy, anh trai em Tú đi bộ đội, nhờ giỏi chữ mà viết
thư diễn tả được ý nghĩ, tình cảm chân thực của mình. Giờ, thầy mời em
Giàng A Pùa đọc tiếp nhé.
Pùa phục phịch đứng dậy, hai môi uốn tròn:
- Thưa thầy, em tìm thấy một lá thư ở trong túi áo bố em.
- Em đọc đi.
- Việt Nam dân chủ cộng hoà. Báo cáo. Kính gửi ông trưởng họ Giàng
Dìn Chiên. Hôm nay có một cán bộ xưng là Quốc Thanh, từ Xin Ma Chải
vào Bản Ngò tôi. Ông này tự giới thiệu là phái viên đặc biệt của huyện.
Thấy tôi có một con chó muốn mổ được rồi, Quốc Thanh hỏi, tôi nói giá
mười bẩy đồng đấy. Hay được bao nhiêu thì trả bao nhiêu. Quốc Thanh gật
đầu, rồi cầm dây dắt chó. Tôi chạy theo nói, nếu chê đắt thì thôi. Quốc
Thanh không nói gì, nhưng từ hôm ấy đi đâu mất cả người lẫn chó. Hay là
đã lấy tia hồng, thịt chó thành bã rồi mà chưa thấy trả tiền tôi?
Xem lại lá thư Pùa vừa đọc, Thiêm chau mày vừa nghĩ ngợi vừa buồn
cười. Cho em Pùa bốn điểm cộng, anh gọi tiếp em Giàng Thị Xay. Xay là