miệng đã thấy quen quen. Hết lần thứ năm đọc lại, ông bỗng giật mình,
nhìn đồng hồ, ngó ra ngoài sân.
Chết thôi, chín giờ rồi, trăng đã lên cao vòi vọi thế kia, sao vẫn chưa
thấy đồng chí Lở, đồng chí Chẩn, đồng chí Sùng đến? Ông đứng dậy, lẩm
bẩm, sốt ruột lê giầy ra rồi lại lết giầy vào. Thấy Thiêm lụi hụi ở trong bếp,
định ngó vào hỏi, nghĩ thế nào ông lại thôi.
Trăng đã lên tới đỉnh điểm. Đúng là lúc trăng đầy đặn đứng giữa vòm
trời tròn đẹp viên mãn. Giá như buổi lễ bắt đầu vào lúc này thì có phải là
thiên nhân hợp nhất không? Nghĩ vậy, ông bỗng hắt hơi liền ba tiếng, rồi
như nhận ra có điềm gì bất thường, ông đâm bổ vào bếp, hổn hển: “Anh
Thiêm này!” Từ lúc này ông gọi Thiêm là anh, để phân biệt Thiêm và các
đồng chí của ông. “Có thể các đồng chí chúng tôi nhầm lẫn ngày giờ
không?” Thiêm nhạy cảm, ngây ra trong một giây ngắn ngủi. Thế là đã có
sự phân cách! Đẩn củi vào bếp nồi cháo, Thiêm quay ra, nao nuốt:
- Không nhầm được đâu. Trưa nay tôi đã gặp lại từng người, nhắc lại
rành rọt ngày, giờ, địa điểm họp một lần nữa rồi. Ở đây bà con vẫn quen
nếp đi họp muộn lắm.
Thiêm không nói sai. Trưa nay anh đã phải vất vả lắm mới gặp tận mặt
được cả ba người nọ. Ông Chẩn ngủ ở lều nương, trông khỉ về quấy phá.
Anh mò ra tận nơi. Ông Sùng đi vớt cá, anh lần theo dọc suối tìm thấy. Còn
ông Lở thì đi lấy mật ong, anh đoán hú hoạ khu rừng ông đến, may mà gặp.
- Nhưng mà đồng chí có nói rõ để ba đồng chí đó hiểu rằng đây là giờ
phút vinh dự của cả đời người không?
- Có, tôi có nói rõ.
- Thế thì bây giờ tại sao vẫn chưa thấy đến?
Thiêm cau mày. Ông Quốc Thanh sao lại có thể hậm hực vô lý như thế
với Thiêm? Xòe hai bàn tay trắng bợt vì ngâm nước phân trần, giọng
Thiêm cố nén bực bội:
- Tôi nói bằng tiếng Kinh, rồi nói lại bằng tiếng Mèo. Sau đó, tôi bảo
từng người nhắc lại và nhấn mạnh: Chậm nhất là chín giờ tối phải có mặt!