Gò ấy nay có tên gọi Gò Tướng quân.
Gò Tướng quân ở cạnh Đồi tế cờ, nơi nghĩa quân chống giặc Minh,
giết dê, tế cờ, khởi nghiệp.
Trên đất đá ong lô xô bóng cọ, mỗi cây một công trình trau chuốt, bên
các bờ xôi ruộng mật trong thung chen chúc đền miếu phụng thờ các đấng
thần minh, các bậc hiền tài.
Vùng đất này có dáng lục long triều hội, tương truyền chính là nơi
phát tích Đức Thái Nhất Thuỷ Tổ Lạc Long Quân. Bên đồi sim hoa nở tím
ngát một trời chiều, có phiến đá lớn phẳng bằng thời chăn trâu đốt lửa
Thiêm thường đến ngắm vọng được gọi là giường nằm của bà Âu Cơ. Bô
lão trong làng từ đời Nguyễn do vậy mới tự bảo nhau xây dựng Quốc Tổ
miếu nguy nga giữa làng.
Cuối làng có Đình Ngoại, thờ Đức Linh lang hoàng tử, người đứng ra
chiêu mộ quân sĩ đi đánh giặc Tống. Cạnh đình còn nguyên các thùng đấu
vuông thành sắc cạnh, tục gọi Đấu Đong Người, dùng trong thuật đánh lừa
giặc, nghe nói có từ thời Mã Viên sang đô hộ nước ta.
Chùa Diên Khánh đẹp như một bài thơ cổ toạ lạc giữa một dải đất
võng đào, cạnh Giếng Cà, dấu ấn tích chuyện Phù đổng thiên vương sau
thắng giặc Ân khao quân giữa bữa hết cà, vội rảo bước về xin mẹ, khi trở
lại sơ ý đánh rơi, tạo nên một vùng đất lõm. Bắc có chùa Bụt Mọc. Nam có
khu di chỉ cổ vật, phát hiện từ hồi đào mương dẫn nước thu nhặt cả mấy
ngàn mũi tên đồng.
Nơi nơi lịch sử toả hơi ấm nồng nàn. Người người, từ trẻ đến già, từ
trước đến nay vừa coi trọng việc cấy hái trồng trọt, vừa chăm chỉ việc cúng
thờ, tế tự. Cội nguồn vừa là mồ hôi, máu huyết, vừa là hương khói thiêng
liêng; nuôi dưỡng và ngưỡng vọng, hai việc song song để hình thành mỗi
trẻ nhỏ.
Ông nội sống nửa đời với công việc nông trang thổ mộc, nửa đời trong
u linh man mác, vừa phàm trần gần gụi, vừa siêu thoát cao xa.