không?"
Chẳng đợi tôi đáp, bà biến ra sau như một cái bóng.
10
Xin với bà chủ quán cho ăn cơm sớm, tôi định bụng chiều nay sẽ leo lên
ghềnh. Trong khi chờ, tôi ngả lưng nghỉ, lơ mơ nhắm mắt. Phải chăng tôi
đã sáp lại gần cái Đẹp có khả năng cứu rỗi đến nỗi người phải đặt ra những
huyền thuyết để bảo vệ lấy những con người cho họ khỏi tự nguyện lao
mình vào vực thẳm phía dưới? Tự chấm dứt sự sống, phải chăng vì sống trở
nên quá ngột ngạt, lượng oxy không đủ khiến máu lên não bộ khô căng gây
mê? Không hẳn. Tôi nghĩ đến đứa cháu gái treo cổ năm mười bảy tuổi. Nó
xinh đẹp, học có tiếng là giỏi. Cha nó là họa sĩ, mẹ cô giáo, nhà đủ ăn. Nó
lại khá nhiều năng khiếu, nặn những bức tượng phỏng theo tượng Rodin,
được giải nghệ thuật tạo hình giành cho những mầm non đầy hứa hẹn. Đầu
năm ấy, mẹ nó đến gặp tôi, hoảng hốt kể, con bé bỏ không ăn uống, không
ngủ nghê, trầm mình tư lự, miệng ngậm tăm. Tôi bảo, chắc nó thất tình
chăng? Mẹ nó lắc đầu. Tôi lại bảo, trẻ ở độ thiếu niên lớn lên thay đổi hóc-
môn, có lẽ đi hỏi bác sĩ xem sao. Bác sĩ Tây y lắc, bảo hóc-môn thì chịu,
đợi rồi sẽ qua đi. Thày Đông y bốc thuốc giảm âm tăng dương, gật gù ê a lẽ
lưỡng nghi. Nhưng thuốc đắng con bé không chịu uống; vả lại, Thày bảo
thuốc ta thì công hiệu chậm, phải chờ hàng tháng mới hiệu nghiệm. Hai
tháng sau, đến lượt chàng họa sĩ, anh em chú bác với tôi, đập cửa. Mắt đỏ
hoe, anh ấy nói, xuýt nữa thì...Thì sao? Con bé nằm giang tay, cổ trên một
đường ray, chân trên đường ray kia, đợi xe lửa chạy qua. May cư dân sống
cạnh đường xe lửa thấy, xốc nó lên, cứu được. Anh ấy nghẹn ngào nói, tôi
chẳng hiểu gì cả, chú thử nói chuyện với cháu xem sao, xưa nay nó rất quí
chú.
Đi cùng anh, tôi đến nhà. Mẹ nó mặt mũi bơ phờ, tay chỉ lên lầu. Tôi rón
rén gõ cửa. Không một động tĩnh. Tôi khẽ đẩy cửa. Trong ánh chập choạng
cuối ngày, con bé nằm, mặt quay vào tường. Tôi đến ngồi xuống giường,
lẳng lặng nắm tay nó. Nó giật ra, nhưng tay làm dấu chỉ lên cái bàn trong
góc phòng, nơi có những bức tượng bằng đất sét đang làm còn phủ vải để