"Giỏi thì tôi chỉ cứu được chỉ mình tôi. Ngay điều này cũng chưa chắc..."
"Thưa Thày, Thày nói thế là thế nào? ", tôi ngạc nhiên.
Ông ta nhắm mắt, trong bóng chiều nhìn im lìm như một pho tượng cổ.
Hồi tưởng lại câu chuyện với anh bạn phóng viên, anh kể những nhà khoa
học đến đo chiều cao nơi người đời gieo mình, độ sâu của nước biển, và
sức nước xoáy. Họ cho rằng với những kích thước đo đếm đó, người tự tử
hẳn chết ngộp chỉ trong vòng một, hai phút, thể xác không kịp đau đớn, và
nhục thân theo xoáy nước trôi ra biển mênh mông không để lại vết tích. Phá
cái im lặng có hơi ngột ngạt, tôi từ tốn hỏi chuyện này hư thực thế nào. Ông
ta chép miệng :
"Người chết chẳng có ai về đây bảo, nên tôi không biết...Còn người
sống, họ theo mũi tên chỉ đường đi xuống. Lối xuống đỡ gập ghềnh, họ đâu
có quan tâm đến chuyện đó nên chẳng một ai quay lại con đường lên ghềnh
vất vả... "
Thói quen một nhà báo khiến tôi bật miệng :
"Lên đây thì bao nhiêu người xuống ghềnh, bao nhiêu người đi tìm cứu
rỗi, thưa Thày?"
"Tôi nào có đếm, nhưng số người gieo mình xuống trũng nước dưới
ghềnh chắc ít hơn. Ấy là tôi phỏng đoán vậy"
"Lời đồn là chết như thế, cái Đẹp cứu rỗi..."
"Cái Đẹp cứu rỗi...Chuyện này, tôi chịu. Cái Đẹp là chứng nghiệm của
mỗi người, chẳng ai nói thay ai được. Phần tôi, khi có người đến am như thí
chủ, tôi chỉ lặng lẽ ngồi nghe họ nói. Nếu họ xuống ghềnh, và gọi thế là
cứu, thì chính Lời của họ cứu họ. Họ kể những nỗi oan trái, những thất
vọng, những bội phản, những oán hận...Thường, kể xong thì họ có vẻ như
giải thoát khỏi một cáì gì đó bưng bít khiến họ không hít thở bình thường.
Nhưng Lời chỉ cứu thể xác trong một thời khắc thôi. Cứu rỗi khác, ở một
tầng sâu hơn...Làm gì có sống, rồi chết là hết. Cái vòng sinh-tử vô thủy vô
chung, chết rồi lại sống, sống xong lại chết, cứ thế vận hành trong quá trình
trùng trùng duyên khởi. Thể dạng vạn vật có thể biến đổi vô thường, nhưng