11
Tôi lên ghềnh. Lối đi loanh quoanh, đây đó lác đác dăm cái biển gỗ to
bằng ba bàn tay trên vạch mũi tên bằng sơn đen chỉ lối. Có khi phải leo
những cái dốc đất đá lổn nhổn, tay bíu vào cỏ để khỏi tuột. Có khi phải đi
vòng những mỏm đá dựng đứng như thử thách khách lữ hành. A, cái Đẹp!
Hay chỉ hy vọng có nó thôi, cũng đã đổ mồ hôi, trượt chân lúc nào thật khó
lường. Cứ thế, tôi leo, tôi thở, và mất cả giờ thì đến một cái am. Trên một
gốc cây đã chặt to bằng vòng tay ôm, một bát nhang lạnh ngắt, đìu hiu, hư
phế chẳng biết từ bao giờ. Đang ngơ ngẩn, tôi nghe một tiếng chuông ngân
lên. Tiếng chuông ấm áp, gọi mời, vẳng ra từ cửa am, bay vào không trung
đang đóng quánh trong bóng chiều chập chùng vây bủa.
Đẩy cánh cử khép hờ, tôi bước vào am. Trước mặt tôi, một người ngồi,
mặt quay vào bệ thờ. Trước bệ, một bát hương, ngọn đèn dầu, và một cái
chuông to bằng quả bưởi vàng loé. Đàng sau bệ, chỉ độc một bức tường sơn
trắng loằng ngoằng hai hàng chữ Hán tôi không đọc được. Người đó thỉnh
thêm một tiếng chuông, rồi từ từ quay lại, nhìn lên.
Đó là một người tuổi chắc xấp xỉ lục tuần, đầu trọc bóng, gò má cao,
lông mi dài và rậm sệ xuống như hai con sâu trên đôi mắt nửa khép nửa
mở. Giọng trầm trầm, người đó nhả từng tiếng, âm nhỉ ra như những giọt
nước luồn vào bờ đá:
"Lâu rồi mới lại có khách, nhưng trà nước thì am đây chẳng có, thí chủ
xá đi cho...''
Thiên phóng sự của anh bạn phóng viên đập vào trí nhớ. Thì đây, cái
nhân vật bí ẩn hư thực, kẻ đã đạt đến trình độ con người gọi là minh triết.
Có phải người này là kẻ làm nghề kiểm lâm ngày xưa, khi giải phóng thì
mất việc nhưng vẫn quanh quẩn với núi rừng, thành người từng gặp gỡ có
đến hàng trăm kẻ đến ghềnh V tìm Chết trong cái Đẹp cứu rỗi? Thận trọng,
tôi gợi chuyện về anh bạn phóng viên, về bài báo gây dư luận, và kể qua
cách hành xử lạ lùng của cư dân tỉnh QN khi tôi hỏi đường lên ghềnh V.
Ông ta im lặng, làm như không nghe. Khi tôi hỏi :"Thưa Thày, thày đã cứu
được bao nhiêu người?'', ông ta bật cười, đáp :