tựu trung, trong cái có cũng là có cái không, và ngược lại! Mọi chuyển hóa
đều khởi từ những tình cờ ngẫu nhiên khôn lường..."
"Thí chủ lên đây làm gì? ", ông ta đột ngột hỏi.
Kể cho ông nghe cái Đẹp thành Lời trong thơ người thi sĩ mắc phong cùi,
và chuyện tôi đốt tập thơ của mình, tôi thở dài :
"... Cho nên tôi đi tìm cái Đẹp cứu rỗi, biết mình bất lực với Lời..."
Ông ta lại cúi đầu, trầm ngâm.
Lát sau, ông chậm rãi :
"Cứu rỗi? Cứu rỗi gì cơ...Cứu rỗi là đạt đến trạng thái không còn hủy
hoại, là trạng thái vĩnh hằng? Chết thân xác, cứu rỗi là đạt đến sự vĩnh hằng
của cái khác thân xác, ngoài thân xác, thậm chí bên trên thân xác? Tin thế,
người đời đặt tên cho cái ngoài thân xác là linh hồn. Cứ đặt được Lời để
gọi, người đời coi như thế là xong chuyện, bỏ qua như một cái gì đó tự tại,
hiển nhiên... "
Ông ta đưa tay lên Trời vẽ một vòng, rồi lại im lặng. "Xin Thày dạy thêm
!", tôi ngập ngừng.
"Đúng lẽ tôi không cần nói thêm, thí chủ có ngộ được hay không thì tùy
khả năng trực ngộ đến đâu..."
"Nhưng đó là chi? ", tôi ngắt lời.
Ông Thày từ tốn :
"Thay vì nói theo kinh sách nhà Phật, tôi dùng ngôn ngữ của thí chủ cho
hiểu được nhau nhé...Lời là tri thức, tiếp cận ngoại giới qua trí năng. Cái
Đẹp, là cảm thức, tiếp cận qua ngũ uẩn, thực có ảo có...Ngoài hai cái thức
đó, còn tâm thức, là cái tình con người cho và nhận trong nhân giới. Khi ba
cái thức kia tổng hợp hài hòa thì sự tiếp cận với thế giới hiện thực thoát
được cõi vô minh khiến ta ngộ ra mà không qua những kiến giải, phân tích
và lý luận...Cao nhất, cũng sâu nhất, là ngộ ra tánh Không của vạn vật. Vì
vậy, kẻ thực sự đạt đến minh triết hiểu được lẽ vô ngã, đều thả mình vào
tịch lặng của vô ngôn... "
Đột nhiên, ông bật cười: