- Chú nói gì cháu không hiểu. Sao nông lại phải dựa vào sĩ? Hay chú
muốn bảo theo nghề làm ruộng phải biết chữ. Nếu thế thì cháu thiết
tưởng...
Ông Điều lắc đầu ngắt lời An:
- Thế thì anh thiển cận quá. Thế thì anh chẳng hiểu việc đời một tí gì!
Tôi nói nông phải dựa vào sĩ là thế này: Thí dụ anh ra làm quan...
An cười:
- Ấy là chú mới nói thí dụ đấy thôi.
Ông chú im bặt, tháo đôi mục kỉnh ra kéo vạt áo trắng để lau, rồi lại đặt
lên cặp mắt sáng tuy hai bên khoé đuôi đã nhăn nheo. Đoạn, ông ngửa mặt
đăm đăm nhìn cháu, vỉ An vẫn vừa nghe vừa hai tay thọc túi quần đi đi lại
lại trong phòng. Bộ râu dê điểm bạc của ông cong lên ép xuống như tự nó
cử động để doạ nạt An:
- Phải, tôi nói thí dụ. Nhưng nếu anh biết nghĩ, nếu anh biết ăn ở cho
phẩi đạo, nếu anh biết nhớ công đức tổ tiên, nếu anh biết thương đến họ
hàng làng mạc thì anh phải làm sao cho sự thí dụ ấy mau mau thành sự
thực. Tôi nói gì anh ngắt lời, làm tôi quên mất rồi?
- Thưa chú, hình như chú nói: "Nông phải dựa vào sĩ mới sống được".
- Phải, phải! Phải, phải! tôi nói thế. Này nhé: Thí dụ…
- Chú lại thí dụ.
- Anh đừng ngắt lời tôi.
Nga ra ngồi ở một cái ghế gian bên từ lúc nào, hai người đều không để ý
đến. Chừng nàng sợ ông chú đuối lý nên ra đó để ủng hộ:
- Cậu vô phép quá! Sao không để chú nói, lại cứ ngắt lời chú thế.
An quay lại chau mày nhìn vợ. Ông điều Vạn cũng nhìn theo mỉm cười:
- Chị đấy à? Chị ạ, anh ấy chả coi tôi ra gì đâu.
- Cậu nên nhớ: chú cũng như cha...
- Phải. Chị thế mà biết điều hơn anh ấy đấy. Có phải không chị, tôi bảo
anh ấy nông phải dựa vào sĩ mới sống được.
- Vâng, chú nói rất phải.
Kỳ thực, cũng như An, Nga chẳng hiểu thế nào là nông dựa vào sĩ.