cũng viết: "Sức cho ông tú Phạm…". Nhưng họ mình không có quan, người
ta cần gì, vì người ta biết mình chẳng làm cóc gì được người ta.
An tức uất người, mặt nóng bừng, yên lặng đi đi lại lại trong ba gian
phòng. Nga thấy vậy, bảo chồng:
- Cậu ngồi xuống mà nghe chú dạy, chứ sao lại cứ thọc tay vào túi quần
mà đi như thế có mỏi chân không?
An quay lại gắt:
- Mợ mặc xác tôi!
Ông điều Vạn thở dài, phàn nàn:
- Nói chuyện với người không hiểu nghĩa lý, thêm bực mình!
Ngừng một lát, ông lại hỏi An:
- Vậy anh định ra sao?
- Cháu chả định ra sao cả, cháu chỉ thích nghề nông, nhà cháu có hơn ba
trăm mẫu ruộng, cháu phải ở nhà để trông coi lấy.
- Tôi xin trông coi cho anh. Anh cứ đi học, ở nhà đã có tôi. Tôi cam đoan
với anh rằng anh không phải lo lắng một tí gì về việc nhà hết. Miễn là anh
cứ gắng sức học thành tài để mai sau ra làm quan mà làm vẻ vang cho họ
cho hàng.
Không muốn tranh luận nữa, An vờ vui tươi trả lời chú:
- Chú để cháu nghĩ chín đã. Cháu sẽ xin định liệu.
Tiễn ông điều Vạn ra khỏi cổng, An quay vào mỉa mai bảo vợ:
- Mợ cầu viện binh để tổng công kích tôi đấy phải không?
Nga tươi cười nũng nịu, đáp:
- Ô hay! Em biết đâu! Chú bảo chú sang chơi thăm anh. Em có ngờ đâu
rằng chú cự anh.
- Thế sao mợ không bênh vực tôi lại đi a dua với chú?
Nga mắng yêu chồng:
- Anh ăn nói hay nhỉ! Chú cũng như cha, anh quên rồi sao?
An bĩu môi quay ngoắt ra vườn.
Hôm sau lại đến lượt ông cậu. Cậu An, ông tổng Biền, xưa làm tổng sư,
nay nghỉ, ngồi dạy dăm đứa trẻ cho đỡ buồn. Ông điềm đạm, hiền lành và