khi nói chuyện với An, không hề giở quyền thúc bá ra như ông chú. Vì thế,
An yêu cậu hơn chú, và mỗi lần trái ý cậu, chàng vẫn lấy làm hối hận.
Lần này muốn tránh cãi lý với cậu, An chỉ ngồi im để mặc cậu nói, để
mặc cậu khuyên bảo dỗ dành. Đoạn chàng ôn tồn đáp lại:
- Cảm ơn cậu dạy bảo, cháu sẽ xin vâng theo. Nhưng cậu để cháu nghĩ
chín đã.
Thế là lớp kịch gia đình tay đôi nay đã chuyển sang tay tư rồi. Và An
hiểu rằng từ đây chàng khó lòng sống bình tĩnh, và hưởng hạnh phúc được
nữa.
*
* *
Ở xe điện xuống, An vui vẻ ra ngay bến xe hơi để lấy vé. Nhưng người
ta trả lời chàng rằng không còn chuyến nào đi Vân Đình nữa. Chàng thản
nhiên trở lại chỗ hàng nước, mỉm cười bảo vợ:
- Hết ô tô rồi, mình ạ.
Nga chau mày, đáp:
- Thế mà cậu còn cười được?
- Chả cười dễ mếu? Hết ô tô thì thuê xe tay, thế thôì.
- Thì hãy thế thôi.
An trong lòng vui sướng, không lưu ý đến giọng nói dằn vặt và vẻ mặt
khó chịu của vợ. Hơn tuần lễ nay, không những Nga để linh hồn chàng
được thư thái, mà nàng còn hết sức âu yếm với chàng nữa. Chàng hy vọng
thầm rằng Nga bắt đầu đổi tính nết và cuộc đời tương lai của hai vợ chồng
không đến nỗi tan nát như chàng đã tưởng. Chàng có ngờ đâu sự thay đổi
tính nết nhất thời của Nga chỉ do một cớ rất thiển cận, tầm thường: Nàng
muốn chồng về cúng kỵ nhà mình.
Cách đây hơn một tháng, vào dịp tết nguyên đán, vì vợ chồng giận nhau,
An không đi mừng tuổi cha mẹ vợ, khiến Nga phải viết thư về tạ lỗi và nói
dối rằng chồng ốm nặng. Nàng vẫn lấy thế làm đau lòng, nên lần này trước
ngày kỵ ông, nàng cố nén làm lành với chồng để chàng khỏi bỏ giỗ như
chàng đã bỏ tết.