- Nào có mặc được. Còn cha mẹ, còn gia đình…
- Gia đình của chúng ta là tôi, mợ, và đứa con đương nằm trong bụng
mợ.
Nga lườm chồng bĩu môi:
- Cậu thì thế được, vì cậu văn minh, vì cậu theo chủ nghĩa cá nhân…
Nhưng tôi, tôi còn có cha mẹ, còn có anh trai tôi, em trai tôi, chị gái tôi, em
gái tôi, tôi còn phải nhớ ngày giỗ, ngày tết...
An ngắt lời:
- Thôi mợ, để khi nào về nhà ta hãy giở những chuyện ấy ra.
Từ đó hai người lại im lặng, không ai nói với ai một lời… Mãi nhá
nhem tối, An và Nga mới về đến nhà "cụ Án Nguyễn". Ở làng Đống người
ta quen gọi thế để phân biệt với "cụ Án Bùi", vì trong làng có hai ông án
cùng về hưu trí.
Đến cổng, Nga quên giận, đứng lại bảo chồng:
- Cậu nhớ nhé, nhớ xin lỗi thầy mẹ, vì độ tết cậu ốm không về dâng tuổi
thầy mẹ được.
An chau mày:
- Nhưng tôi có ốm đâu?
Nga gắt:
- Nói dối một câu vô hại, thì đã chết ai?
- Không chết ai, nhưng mà khó chịu.
- Khó chịu về nỗi gì?
- Về nỗi phải nói dối.
Một đứa đầy tớ gái nghe gọi cổng, đã chạy ra. Nga bấm An bảo im.
- Lạy cô ạ, lạy cậu ạ. Thế thì kỵ năm nay vui quá.
- Cụ đâu, Sửu?
- Thưa cô, cụ đương ngồi ở phòng khách.
- Cả hai cụ?
- Vâng, cả hai cụ.
Nga trông qua mấy bức tường bình phong gạch xây mắt cáo thấy mấy
gian phòng sáng xanh dưới cái chụp cây đèn măng sông:
- Có khách nào thế, Sửu?