mua ở nhà bán đồ cũ bằng giá tiền mấy cái bát sứ để lại cho một cửa hàng
đồ cổ quen, ở phố ga.
Trên tường bên tả treo hai thanh kiếm An Nam giao nhau theo hình chữ
X. Chuôi kiếm bằng răng voi, bao kiếm bằng gỗ trắc khảm xà cừ và bịt bạc
dát vàng. Ông Án đã nuôi thợ kim hoàn ở trong nhà để làm, và trông coi
từng ly từng tý.
Phía bên hữu, treo cân đối với đôi kiếm ta là một thanh kiếm tây và một
cây súng hai nòng. Thanh kiếm ấy vừa to vừa dài mà lưỡi lại thẳng, ông Án
quý lắm, quý như một thứ đồ cổ, tuy nó chỉ cổ được độ vài chục năm. Thời
ông Án còn tại chức, một ông phó sứ đã đổi nó cho ông lấy một cái bát
Giang Tây. Ông thích quá, ngắm nghía suốt mấy ngày, rồi gọi thợ ảnh đến
chụp cho ông một bức hình vận đại trào tay chống thanh kiếm tây.
Bức hình ấy đem phóng đại, tô màu và treo ngay giữa phòng khách trên
cái tủ trà khảm. Khi chụp, râu ông còn đen, mặt ông còn phương phi đầy
đặn, thân thể ông còn vạm vỡ, nở nang, trông có vẻ võ tướng lắm, dẫu cái
mũ cánh chuồn hơi yếu đuối một chút. Chẳng lần nào có khách đến chơi
mà ông Án quên không khoe bức ảnh, và gật gù tự đắc ngâm nga: "Cứ
tưởng rằng văn mà hoá võ". Rồi ông thích chí cười ha hả.
Cái phòng khách chặt ních những đồ quí giá ấy, An ngắm mãi đã quen
mắt lắm rồi. Nhưng chàng vẫn không thể giấu nổi cái mỉm cười, vì mỗi lần
chàng đến lại thấy có thêm bớt một vài vật. Cái tính đổi chác, bán đi mua
lại vẫn là cái tính cố thủ của ông án, nó hầu như đã trở nên một cố tật. Vì
thế, trong số bốn cái thống lớn bày bốn chân cột gian giữa, An chỉ thấy còn
hai. Mà ở bức bàn giáp góc hai gian bên, mới có thêm hai pho bụt ốc khổng
lồ, nước sơn đã tróc để hở từng đám bạc mờ, từng khoảng cốt đen loang lổ.
An vừa chắp tay chào, vừa đưa mắt nhìn vọng một lượt ba gian phòng
rộng và cao, như ba gian đình với những kèo trụ chạm trổ rồng phượng rất
công phu.
- Cậu cũng về được.
Bà Án tiếp lời chồng:
- Khá nhỉ, còn nhớ ngày giỗ ông kia? Ngồi chơi đấy.
Viết đứng dậy ngả đầu chào Nga rồi ra bắt tay An: