- Thưa cô không, ông Huyện, bà Huyện đương ngồi hầu chuyện hai cụ.
- Cả anh Huyện, chị Huyện cũng về?
- Vâng, thưa cô, kỵ năm nay vui lắm, ông Huyện, bà Huyện này, Cậu Tú
cô Tú này...
Nga mắng át:
- Sửu, tao cấm mày không được gọi thế. Tao đã lấy chồng thì ít ra mày
cũng phải gọi tao là mợ, hiểu chưa? Với lại mày gọi ông Huyện bà Huyện,
thì sao mày lại không gọi ông Tú bà Tú? Chỉ được cái láo quen!
Sửu sợ hãi đưa hai người phu xe xách hai cái va li cất vào buồng bên.
Nga bảo An:
- Cậu đã thấy gì chưa?
An chau mày:
- Tôi chưa thấy gì cả.
- Cậu thì còn thấy cái gì!
Hai người tiến vào trong phòng khách. Ông Án, bà Án ngồi trên cái sập
sơn son thiếp vàng. Liền sập kê một bộ bàn ghế trắc kiểu Tàu pha kiểu
Pháp thập bát thế kỷ, bản lượn sáu múi, chân vòng cánh cung, ghế sáu cái,
bốn cái vuông và hai cái dài, lưng dựa chia ra hai phần, một bên chạm bài
thơ chữ nho và một bên trổ tứ quý. Bộ bàn ghế nhà ông Án Nguyễn cũng
giống những bộ thấy bày trong nhiều khách đường các nhà quan, nhưng lại
có thêm một đặc sắc, là bốn câu thơ ở bốn cái ghế vuông, không câu nào
toàn vẹn bảy chữ. Câu thì còn sáu, câu thì còn năm, có câu lại chỉ trọn vẹn
ba chữ. Ông Án Nguyễn là một nhà đại khoa, văn chương thi phú nổi tiếng
khắp mấy tỉnh đường ngoài, nên ông không "ngửi" được những chữ nho
"nặng mùi" kia. Hôm người ta vừa khiêng bộ bàn ghế về tới nhà, ông cho
gọi ngay một bác phó mộc đem chàng đục đến để làm cái việc "tẩy uế". Hai
chữ "tẩy uế" ông vui sướng nhắc đi nhắc lại mãi.
Sau cái sập là cái tủ trà bằng gụ khảm xà cừ kê trên đôi mễ. Ở gian bên,
trong một cái tủ đứng kiểu Nhật Bản có bày đủ các đồ quý, nào bát sứ, đĩa
sứ Tàu, nào ngọc Vân Nam, nào voi, ngựa bằng đồng. Phía bên kia và đối
diện với cái tủ Nhật Bản, cái tủ ăn bằng mun đồ sộ, bề thế, đứng gần chật
khoảng giữa hai hàng cột. Cái tủ ấy một hôm lên chơi Hà Nội, ông Án đã