Viết lo tìm mưu kế. Chàng nói với Phụng rằng Thoa có cái vốn riêng vài
vạn bạo và sẽ biếu cả chàng nếu chàng bằng lòng lấy Thoa làm lẽ.
Phụng lồng lên như một con sư tử. Nhưng dần dần nàng đấu dịu, vì thấy
chồng quả quyết, vin cớ rằng đã có một gái một trai với người kia. Rồi sau
khi vấn kế cha mẹ, chị em, nàng bắt chồng làm tờ cam đoan phải thuê nhà
Hà Nội cho vợ lẽ ở riêng, không được để "nó" bén mảng tới phủ và tháng
tháng phải nộp nàng một số tiền ít nhất là hai trăm.
Viết ưng thuận ngay và ba hôm sau đưa Thoa về chào Phụng. Hai người
đàn bà trước kia chơi bời với nhau, nay bỗng gặp nhau trong một trường
hợp, một cảnh huống khó khăn, nên cùng bẽn lẽn ngượng ngùng...
Một năm qua, Thoa vẫn chỉ làm một "bà lớn phủ" ở Hà Nội, tuy đã nhiều
lần nàng ngỏ lời với Phụng rằng nếu Phụng về nhà quê, trông nom ruộng
nương nhường cho mình nàng ở phủ với Viết thì nàng sẽ sẵn lòng biếu
Phụng một vạn bạc để đền ơn...
Bảo biết câu chuyện nên lấy làm căm tức cho Phụng. Nàng nhìn cái ô tô
mới ở giữa sân, lẩm bẩm nói một mình:
- Còn vác mặt đến đây làm gì! Rõ ghét!
Và nàng cố lẩn. Nhưng Viết đã vui vẻ theo Hạc xuống chào bà Toàn.
Trước mặt hai người đàn bà không những chàng không giấu giếm việc nhà,
mà chàng còn gợi ra nữa. Chàng nói với Bảo:
- Tôi đến thăm chú cô, nhân tiện hỏi chú cô về giá cả ruộng nương và
cách thức làm đồn điền trên vùng này ra sao. Chẳng giấu gì cô, tôi muốn
tậu một cái ấp ở gần đây cho cô hai nhà tôi.
Bảo im lặng không đáp. Cho là sự lãnh đạm của con dâu có thể gây ác
cảm với khách, bà Toàn đỡ lời:
- Thưa ông, làm ruộng vất vả lắm. Đấy ông hỏi em Hạc mà xem. Suốt
ngày bận rộn, mùa nào cũng như mùa nào.
Viết cười:
- Thưa cụ, chúng tôi có làm đồn điền thì cũng cho người ta trồng cấy
chia rẽ, chứ hơi đâu mà chịu khó nhọc. Quý hồ có tiền nộp thuế và mỗi
năm để dành được ít nhiều! Cứ chú Đốc nói chuyện thì có ruộng cho cấy rẽ
cũng chẳng kém gì có nhà cho thuê. Mà đối với bọn nhà quê, mình bắt sao