gì, không hối hận về một việc gì, dù việc mà chính Viết cũng cho là hơi
quá, hay không phải.
Hạc nghĩ thầm: "Anh Viết thực là một người sung sướng. Hoạn giới đối
với anh ấy chẳng khác gì nước đối với loài cá. Anh ấy bơi lượn vẫy vùng
vui thú ở trong đó, da dẻ một ngày một thêm hồng hào, thân thể một ngày
một thêm phì nộn. Chả bù với anh An lúc nào cũng buồn, cũng khổ, nên
người một ngày một gầy yếu".
Hạc nhìn Viết, hỏi:
- Thưa bác, bác gái độ này có được mạnh không?
- Cảm ơn chú, nhà tôi độ rầy khoẻ lắm, mà người thì cứ béo mãi ra. Đó
cũng là cái điềm hay, gần bốn mươi tuổi mà bắt đầu béo, người ta bảo là
phát phúc đấy.
Viết cười ầm ỹ, lấy làm bằng lòng về câu hài hước của mình.
- Thưa bác, sao bác gái không đi thăm ruộng với bác?
Viết lại cười:
- Tôi đã nói cái đồn điền này tôi tậu cho cô hai nó nhà tôi. Tiền của cô ấy
cả, chứ tôi có gì đâu.
Chừng để Hạc hiểu rằng đó là một câu nói đùa cho vui chuyện, Viết lại
cười.
- Vậy cái đồn điền ấy bác đã đến xem rồi?
- Đã. Chú coi đây này.
Chàng mở ra hai mảnh địa đồ cuộn tròn, hoạ theo tỉ lệ 1: 25000, rồi kháp
vào nhau, chàng trỏ một nơi có đánh dấu địa giới bằng bút chì đỏ.
- Vừa đồi vừa ruộng rộng tất cả một nghìn hai trăm mẫu. Riêng về điền
bảy trăm mẫu. Thế mà chỉ độ một vạn là họ bán. Tôi đã trả tới tám nghìn
rưỡi... Tôi chỉ còn lo ngại một điều: nước độc.
Hạc đem các cách trị nước độc ra giảng, như phát thuốc ký ninh, trồng
rất nhiều cây ký ninh leo, bắt người hàng ấp phải ngủ trong màn, nhất là
làm cho hết những nơi bùn lầy ẩm thấp. Chàng kể làm thí dụ một việc khai
khẩn trong đồn điền của chàng. Chàng có một khu rộng ở xóm Khe rộng
ước chừng hơn trăm mẫu, mà trước kia chàng vẫn phải đóng thuế khống, vì
chẳng ai dám đến đó làm ăn. Thửa ruộng kéo dài giữa hai dãy đồi, nên lúc