- Lại chả thiên! Như người ta công bằng thì nói tuế toá một câu cũng
xong. Đằng này không, cụ bênh chị ấy ra mặt, cụ bênh chị ấy vì chị ấy làm
bà Huyện, anh biết chưa? Cụ bảo: "Cái cô Tú này mới ương ngạnh, tai ác
lắm chứ! Chị nhờ đưa con dao thế thôi, mà cũng tru tréo lên". Em tức mình,
em chẳng giữ lễ phép nữa, em nói phăng ngay: "Bẩm mẹ nếu chị ấy nhờ
con thì đã đi một nhẽ, nhưng chị ấy có nhờ con đâu, chị ấy sai con đấy chứ,
mẹ muốn con làm đầy tớ chị ấy sao?".
An đúng nghe đã chối cả tai về câu chuyện gia đình nhà vợ. Chàng nghĩ
thầm: "Sao mà họ dại dột, đi sinh sự với nhau như thế! Thì cứ ai an phận
nấy có hơn không? Hay đàn bà họ không bao giờ có được tâm hồn bình
tĩnh, họ phải làm rầy người này, làm rầy người nọ, tự làm rầy mình, luôn
luôn như thế, họ mới sống nổi, không thì đời họ sẽ buồn tẻ quá chăng?".
Giữa lúc ấy có người đầy tớ chạy ra vườn:
- Ồ, cậu mợ đây rồi. Mời cậu mợ về lễ.
An chau mày:
- Sao bảo mai mới là ngày kỵ?
- Thưa cậu vâng, mai mới chính là ngày kỵ, nhưng năm nào cũng thế,
phải cúng trước một ngày. Mai mới cúng cỗ nấu.
- Thế à? Nhưng...
Nga khó chịu, đưa mắt ra hiệu bảo chồng im. Nàng biết rằng trong
những gia đình quí phái, bao giờ người ta cũng cúng lễ tiên thường trước
một ngày như thế. Chồng mình tỏ vẻ kinh ngạc chỉ phô rõ cái nguồn cội
thường dân ra mà thôi.
*
* *
Nhà thờ là hai nếp nhà lim năm gian, xây giáp nhau, dựng đã từ bốn đời.
Ông án Báo là con thứ, nhưng ngày giỗ cha mẹ năm nào ông cũng đứng ra
cáng đáng hết các công việc, tuy người cháu đích tôn, con anh ông đã mất,
cũng không lấy gì làm nghèo lắm. Ông cho rằng ông đã làm quan thì việc
gì trong họ ông cũng phải coi như là một nhiệm vụ của mình. Vì thế, khi
còn tại chức ông cúng giỗ cha mẹ ở huyện, ở phủ, ở tỉnh. Nay về quê thì
ông cúng kỵ ở bên nhà thờ lớn, thờ từ ông tổ ngũ đại trở xuống.