Bởi vì, con số tám vạn mark mà hai người vừa thỏa thuận mới thật là con số
truyền thống về của hồi môn trong gia đình Buddenbrook!
Bàn bạc xong, Grünlich cáo từ trở về Hamburg. Tony vẫn không cảm thấy
hoàn cảnh mới của cô có gì khác lạ cả. Dù cô đến khiêu vũ ở nhà ông
Möllendorpf, nhà ông Langhals, nhà ông Kistenmaker, hay ở tại nhà mình;
hoặc đi trượt băng trên cánh đồng Lâu đài và bãi cỏ Traven; hoặc để cho bọn
thanh niên tán tỉnh nịnh hót, cũng không ai can thiệp gì cả... Tháng ấy, cô
được mời đi dự lễ đính hôn của người con cả gia đình Möllendorpf với
Julchen Hagenström. Cô nói: “Anh Tom ạ, em không muốn đi tí nào! Em
ghét lắm!”. Nhưng rồi cô vẫn đi.
Với lại, hôm ấy cô vui vô cùng.
Ngoài ra, từ khi quyển sổ của gia đình ghi thêm những dòng chữ kia, cô
được phép cùng bà tham hoặc một mình đến bất cứ hiệu buôn nào trong
thành phố, mua bao nhiêu thứ, sắm sửa tư trang cho mình thật ra hồn! Hai
chị thợ may suốt ngày ngồi cạnh cửa sổ phòng ăn sáng may quần áo, thêu
tên họ lên áo mũ. Hằng ngày họ được ăn phó-mát màu xanh lục với bánh mì
đen...
— Nhà Lentföhr đưa vải lanh đến chưa, hả mẹ?
— Chưa đâu, con ạ! Nhưng đã đưa đến hai tá giấy lau mồm dùng khi
uống chè, ăn bánh.
— Được rồi! Bác ấy bảo sẽ đưa đến sáng nay. Trời ơi! Những cái vỏ chăn
này phải viền xung quanh nữa cơ!
— Chị Bitterlich hỏi đăng-ten viền áo gối để ở đâu hở chị Ida!
— Để trong tủ đựng vải lanh, bên phải hành lang đấy, Tony ạ.
— Line...
— Con đi mà lấy thôi con ạ!
— Trời ơi! Nếu đi lấy chồng để mà được chạy lên chạy xuống cầu thang
như thế này thì...
— Con đã chọn được thứ len nào may quần áo cưới chưa, hả Tony?
— Moiré antique
Mẹ ạ!... không có Moiré antique thì không cưới xin gì
cả.