— Vâng, thưa ông tham, - Corl Smolt nói, giọng run run - Như thế này
cũng đã khá rồi đấy, nhưng nhất định vẫn phải làm cách mạng! Ở đâu người
ta cũng đang làm cách mạng, ở Berlin, hay ở Paris cũng vậy thôi!
— Anh Smolt, vậy thì các anh muốn cái gì? Anh thử nói xem nào?
— Vâng, thưa ông tham, tôi xin thử nói xem: Chúng tôi muốn có một
nước cộng hòa...
— Các anh toàn là đồ ngốc! Các anh đã có nước cộng hòa rồi đấy còn gì!
— Vâng, thưa ông tham, chúng tôi muốn có thêm một cái nữa.
Trong số những người đứng xung quanh, có một vài người không biết cái
đó là cái gì, cười ồ lên. Tuy không mấy ai nghe rõ lời Corl Smolt nói, nhưng
tiếng cười đó vẫn lan rất nhanh, cho đến khi các tín đồ của chính thể cộng
hòa đều mặt mày hớn hở, cười ha hả. Nhiều vị đại biểu, tay cầm cốc bia, ló
bộ mặt tò mò ra trước cửa sổ phòng họp. Trước sự thay đổi đột ngột đó,
người duy nhất cảm thấy thất vọng và đau khổ chính là ông Siegismund
Gosch.
— Thôi được, riêng các anh - Cuối cùng ông tham Buddenbrook nói -
theo tôi thì, tốt nhất là bây giờ các anh hãy về nhà đi đã!
Trước tình hình bất ngờ như thế, Corl Smolt ngơ ngác, đứng ngẩn người
ra, trả lời:
— Vâng, thưa ông tham, thì hãy cứ làm như vậy! Mọi việc sẽ lắng dịu đi
thôi. Tôi rất vui là ông không quở trách gì tôi cả. Xin chào ông tham! Đám
đông bắt đầu tản ra, ai nấy thấy nhẹ nhõm trong lòng.
— Anh Smolt, anh chờ một lát! - Ông tham gọi to - Anh có thấy cỗ xe
ngựa của cụ Kröger ở đâu không? Cỗ xe bốn bánh ở ngoại ô ấy mà?
— Thưa ông, có trông thấy ạ! Cỗ xe ấy đến rồi. Nó đang chờ ở bãi đất
đằng kia kìa!
— Hay lắm! Vậy thì anh chạy đến bảo Jochen đánh lại ngay. Cụ chủ
muốn về đấy!
— Thưa ông, vâng!
Corl Smolt chụp mũ lên đầu, kéo cái vành chiếc mũ da xuống tận mắt, lảo
đảo bước nhanh ra phố.