Ông Johann Buddenbrook vẫn không hề dùng bất cứ biện pháp nào để đối
phó lại thằng con rể bịp bợm cả. Cố nhiên qua những lần trò chuyện, Tony
và mẹ Tony đã biết Grünlich dùng thủ đoạn xảo trá như thế nào để lấy tám
vạn mark, nhưng ông tham lại hết sức cẩn thận, không để câu chuyện đó lan
ra ngoài, càng không nghĩ đến việc kiện cáo gì hết. Ông cảm thấy, là một
thương gia, danh dự của ông bị tổn thương nặng, ông đã bị mắc lừa một vố
rất đau. Thật là nhục nhã. Nhưng rồi ông chỉ muốn im lặng, một mình vật
lộn với sự nhục nhã đó.
Mặc dù vậy, sau khi Grünlich tuyên bố phá sản - tiện thể xin nói qua là
Grünlich phá sản đã liên lụy đến nhiều hãng buôn ở Hamburg, họ bị thiệt hại
khá nặng - ông tham lập tức kiên quyết làm thủ tục cho con gái ly dị. Trong
vụ ly dị này, Tony cho mình đóng vai chính thật sự nên cô lấy làm vinh dự
vô cùng, khó mà miêu tả nổi.
— Thưa thầy - cô nói. Những lúc nói chuyện như thế này, không bao giờ
cô gọi ông tham là “ba” cả - Thưa thầy, công việc của chúng ta ra sao rồi?
Thầy cho là mọi việc thuận lợi cả phải không? Luật lệ rõ ràng lắm, chính
con đã xem kỹ: “Phàm người chồng không đủ khả năng nuôi nấng chăm sóc
vợ con...”, nhất định họ cũng thấy được điều đó.
Nếu có con trai, Grünlich được giữ lại nuôi...
Lại một lần nữa, cô nói:
— Thưa thầy, con nghĩ rất nhiều về những chuyện trong mấy năm chúng
con chung sống với nhau. Mấy năm đó, con rất muốn ở trong phố nhưng anh
ta lại kiên quyết phản đối, thì ra là vì thế! Anh ta một mực không thích cho
con lên phố, giao thiệp với người này, người nọ, thăm hỏi khách khứa. Thì
ra cũng là vì thế! Ở trong thành phố nguy hiểm hơn ở Eimsbüttel. Ở trong
thành phố, thế nào bộ mặt thật của anh ta cũng bị con khám phá... Thật là
một thằng đại bịp!
— Chúng ta không nên kết luận như vậy, con ạ - Ông tham trả lời.
Cuối cùng, sau khi ly dị rồi, cô lại nói một cách đứng đắn, nghiêm chỉnh
rằng:
— Thầy đã ghi vào sổ gia đình chưa ạ? Chưa, phải không ạ? Ồ, thế thì
con ghi vậy nhé! Thầy đưa chìa khóa bàn sách cho con.