dành cho nó càng nhiều, cuối cùng kéo dài hết cả buổi sáng. Sau đó, anh
thản nhiên bắt đầu không chịu để thì giờ làm việc ràng buộc mình nữa. Sáng
nào cũng ngậm thuốc lá, thất thểu đến muộn, trưa vào câu lạc bộ ăn, khuya
mới về nhà, có khi không về nữa...
Hội viên câu lạc bộ này chủ yếu là một số thương gia sống độc thân. Họ
bố trí một căn phòng rộng trên gác hai một hiệu ăn; họ có thể ăn uống ở đấy
rồi chuyện trò thả cửa. Chuyện của họ không phải hoàn toàn đúng đắn hết.
Họ còn tổ chức đánh ru-lét nữa. Trong các hội viên, có một số tay đã có vợ
có con hẳn hoi, như ông tham Kröger và ông Peter Döhlmann, nhưng vẫn
hết sức phóng đãng. Ở đây, ông cục trưởng cảnh sát được gọi là “đội trưởng
ống phun nước”. Biệt hiệu này do tiến sĩ Gieseke- Andreas Gieseke ấy mà, -
con trai ông đội trưởng cứu hỏa, đặt cho. Gieseke là bạn học cũ của
Christian, hiện giờ mở phòng luật sư ở ngay trong thành phố. Tuy anh cũng
được coi là một tay công tử bột phóng đãng, nhưng vừa gặp lại nhau,
Christian đã nối lại tình bạn trước đây.
Christian - hoặc giả như người ta thích gọi Krischan - xưa nay đã quen
biết những người này ít nhiều, hơn nữa lại là bạn cũ. Phần lớn bọn họ đều là
học trò thầy giáo Marcellus Stengel đã quá cố. Bởi vậy Christian vừa đến
đây đã được bọn họ hoan nghênh nhiệt liệt. Các thương gia, thầy thuốc, luật
sư, mặc dù không một ai cho anh là người có tài xuất chúng, nhưng cái bản
lĩnh mua vui cho mọi người của anh thì ai cũng phải công nhận. Hơn nữa, ở
đây anh biểu diễn càng xuất sắc hơn, kể chuyện cũng vô cùng hấp dẫn. Anh
đứng trước đàn piano bắt chước các nhạc sĩ, bắt chước các diễn viên và danh
ca nước Anh và bên kia Đại Tây Dương. Anh dùng những lời lịch sự nhưng
rất ý vị, kể lại những chuyện yêu đương của anh ở các nơi không một ai nghi
ngờ gì cả. Christian Buddenbrook quả là một chàng công tử bột.
Anh kể một số chuyện mạo hiểm xảy ra ở trên tàu thủy, trên xe lửa, ở St.
Pauli, ở Whitechapel và ở cả trong rừng nguyên sinh... Anh kể thao thao bất
tuyệt, có đầu có đuôi, rất hấp dẫn. Giọng anh kéo dài, hơi õng ẹo, vừa hài
hước vừa ngây thơ, y như các nhà hài hước người Anh. Anh kể chuyện một
con chó bị đóng vào hòm gửi từ Valparaiso đến San Francisco, hơn nữa là
một con chó ghẻ! Có trời biết được anh kể chuyện ấy với dụng ý gì, nhưng