CHƯƠNG
V
Nguyện vọng và hành động của chúng ta là do một số nhu cầu nào đó của
hệ thống thần kinh sinh ra. Những nhu cầu đó là gì, thật khó lòng dùng ngôn
từ chính xác mà trình bày được. Ví dụ như “lòng hư vinh” của ông Thomas
Buddenbrook chẳng hạn, ông hết sức chăm chú tô điểm bề ngoài của ông,
hay mặc những bộ quần áo diêm dúa đắt tiền, nhưng thực ra đó lại là chuyện
khác. Xét thật kỹ, chẳng qua ông là một nhà hoạt động chính trị, ông phải cố
giữ cho mình, từ đầu đến chân, lúc nào cũng thật quy củ, thật thích hợp với
tư cách của ông. Chính bản thân ông và cả người khác nữa cũng đòi hỏi
nhiều ở tài năng và trí tuệ của ông. Việc tư cũng như việc công cứ chồng
chất hàng đống lên đầu. Trong một cuộc hội nghị phân công chức vụ ở tòa
thị chính, người ta giao cho ông một trách nhiệm rất nặng nề là quản lý thuế
vụ. Sau đó, công việc ngành hỏa xa, thuế quan và nhiều công việc quan
trọng của một số nước khác cứ dồn dập đến, cũng chiếm mất một phần tinh
lực của ông. Từ ngày trúng cử, ông đứng ra triệu tập nhiều cuộc hội nghị của
Ủy ban giám sát và quản lý. Trong những cuộc hội nghị này, một mặt, ông
phải làm ra vẻ tôn trọng kinh nghiệm các bậc đàn anh tích lũy trong bao
nhiêu năm để khỏi làm thương tổn lòng tự ái của các vị. Mặt khác, ông lại
phải nắm thực quyền trong tay, cái đó đòi hỏi ông phải dốc hết tài nhanh
nhẹn, trí thông minh và các thủ đoạn khi giao thiệp với mọi người. Nếu ai
chú ý sẽ thấy một chuyện rất đỗi ngạc nhiên là trong thời gian này, “lòng hư
vinh” của ông nổi bật lên rất rõ. Nói như thế cũng là nói một số yêu cầu của
ông như việc nghỉ ngơi cho lại sức, việc di dưỡng tinh thần, việc một ngày
thay hai ba bộ quần áo để cho tinh thần thêm phấn chấn vân vân, càng trở
nên cấp bách hơn trước. Như vậy là: mặc dù ông Thomas Buddenbrook mới