Tóm lại, cả đôi bên đều có thiện chí cả. Buổi chiều nào ông Giám đốc
Weinschenk cũng đến chơi. Cuối cùng, tháng giêng năm 1867, ông ngỏ lời
cầu hôn với Erika Grünlich bằng những câu đơn giản, thẳng thắn nhưng
không được duyên dáng cho lắm.
Từ đó, ông là người của gia đình này, bắt đầu tham dự “Ngày nhi đồng”,
được người trong họ nhà gái tiếp đón rất niềm nở. Nhất định ông cũng nhận
thấy ngay rằng mình không hợp với những người này lắm, nhưng ông giấu
kín thứ cảm giác đó, cố làm ra vẻ lịch thiệp hào hoa. Mặt khác, bà cụ tham,
ông cậu Justus, ông nghị Buddenbrook cũng hết sức bỏ qua cho người viên
chức cần cù, vui vẻ, ít giao thiệp với bên ngoài này. Tất nhiên, chỉ có ba cô
gái già họ Buddenbrook ở phố Breiten là không như vậy.
Quả thật cũng phải bỏ qua cho ông mới được. Có lúc cả nhà đang ngồi
quanh bàn ăn, bỗng ông Giám đốc tỏ ra tha thiết quá đáng với đôi má và
cánh tay của Erika, hoặc giả khi đang nói chuyện với người khác, ông hỏi to
lên rằng, có phải món mứt quất làm bằng bột mì hay không - mấy tiếng “làm
bằng bột mì” ông ta nói giọng lên bổng xuống trầm rất nhịp nhàng, - không
nữa thì ông ta cũng phát biểu rằng Romeo và Juliet là tác phẩm của Schiller,
dứt khoát và khẳng định lắm, rồi lơ đãng xoa tay, còn nửa thân hình phía
trên thì tựa vào tay ghế... Lúc đó quanh bàn ăn bỗng mọi người lặng đi trong
chốc lát. Để phá tan bầu không khí trầm lặng đó, người ta đành phải nói xen
vào một câu pha trò vớ vẩn hoặc bắt sang chuyện khác.
Ông giám đốc và ông nghị thì ăn ý nhau lắm. Nói chuyện chính trị hay
chuyện buôn bán, ông nghị cũng biết lựa chiều mà nói, không để xảy ra điều
gì đáng tiếc cả. Còn ông ta và bà Gerda Buddenbrook thì khó quá. Tính tình
bà khác người nên ông ta không làm sao có thể tìm được chuyện gì để nói
với bà vài ba phút: ông ta biết bà Gerda rất hay chơi đàn violon, điều đó cho
ông ta một ấn tượng sâu sắc đến nỗi những buổi gặp mặt vào ngày thứ năm,
ông ta thường hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Nhị tây bà kéo thế nào rồi?”.
Nghe đến lần thứ ba thì bà nghị không trả lời nữa.
Còn ông Christian thì lúc nào cũng chun mũi lại quan sát người bà con
mới của mình, để rồi hôm sau nhại lại thật giống mọi lời ăn tiếng nói của
ông ta. Người con trai thứ hai của bà cụ tham Johann Buddenbrook đã chữa