khỏi bệnh thấp khớp ở bệnh viện, nhưng tay chân vẫn còn ngượng nghịu.
Ngoài ra vẫn chưa chữa khỏi bệnh “tê buốt” nửa người bên trái theo chu kỳ,
nghe nói ông bị thế là vì các sợi thần kinh nửa người phía bên ấy ngắn quá,
và một số bệnh khác ông thường mắc phải, như khó thở, ăn hay bị nghẹn,
tim đập không đều, triệu chứng bệnh tê liệt, hay ít ra là nỗi lo sợ có triệu
chứng ấy, thì vẫn chưa khỏi. Nhìn bề ngoài, ông không còn dáng dấp một
người chưa đầy tứ tuần nữa. Trên đỉnh đầu không còn một sợi tóc nào, chỉ
sau gáy và hai bên thái dương còn lưa thưa vài sợi đỏ hoe mà thôi. Đôi mắt
ti hí tròn xoe, lúc nào cũng nhìn ngược nhìn xuôi, vẻ nghiêm túc nhưng bồn
chồn không yên, càng lõm sâu hơn trước. Cái mũi diều hâu trông càng cao
hơn bất cứ lúc nào, nổi lên giữa hai gò má nhợt nhạt và trên hàng râu mép
rậm rì cũng đỏ hoe... Cái quần len mềm hàng Anh trùm phía ngoài đôi chân
vòng kiềng khẳng kheo.
Từ dạo về nhà tới nay, ông Christian ở một căn phòng trên hành lang gác
hai nhà mẹ, y như trước kia, nhưng thời gian ông ở câu lạc bộ nhiều hơn ở
phố Meng, vì sống ở nhà, ông thấy không được thoải mái lắm. Bà Ida
Jungmann đi khỏi nhà này rồi thì chị Riekchen Severin liền thay trông nom
việc trong nhà cho bà cụ tham. Chị là một cô gái thôn quê vạm vỡ, hăm bảy
tuổi, mặt hồng hào, tròn vo, môi dày. Chị nhìn mọi thứ hoàn toàn bằng con
mắt người thôn quê. Là chủ nhà, ông nghị nhìn ông Christian bằng nửa con
mắt, còn chị đầy tớ gái cũng không tôn trọng lắm cái con người suốt ngày
nhàn rỗi, chỉ thích nói chuyện ở đâu đâu, cử chỉ lúc thì rất buồn cười, nhưng
cũng có lúc rất thảm hại vì bệnh tật. Có một số việc, ông bảo chị làm, chị
dứt khoát không làm, cứ mặc kệ. Chị nói:
— Tôi không có thì giờ hầu ông đâu, ông Christian ạ!
Thế là ông ta chun mũi nhìn chị chằm chằm như muốn bảo: “Chị không
biết xấu hổ hay sao?”, rồi duỗi thẳng đôi chân bước đi.
— Cô tưởng tôi lúc nào cũng có nến dùng ư? - Ông nói với bà Tony - Tôi
ít khi có nến thắp... thường thường khi đi ngủ, tôi phải đánh diêm soi - Nếu
không nữa thì ông cũng nói là bà cụ tham cho ông ít tiền tiêu vặt quá. - Thời
buổi khó khăn!... Đúng thế thật, trước kia có thế này đâu! Cô cho còn ra thể