thì ông cố tránh đi. Ông lấy làm hổ thẹn là lúc bấy giờ ông tỏ ra quá yếu
đuối, đồng thời ông cũng rất đau khổ vì ông không đủ sức gánh trách nhiệm
một mình.
Ông chỉ bực bội nói chậm rãi:
— Cô Tony này, theo tôi, chúng ta nên để cho qua đi!
— Để cho qua đi, hả anh Tom? Không được đâu! Quả thật, không thể
tưởng tượng nổi! Anh cho là anh có thể giấu chuyện ấy đi ư? Anh cho là
người trong thành phố không ai nhớ ý nghĩa lớn lao của ngày hôm đó sao?
— Anh nói chúng ta không có thể làm như thế được mà chỉ nói mong sao
ngày đó lặng lẽ trôi qua. Người nào thỏa mãn với hiện tại và tương lai thì kỷ
niệm chuyện quá khứ kể cũng thú vị... Người nào cảm thấy tổ tiên và mình
cùng có một ý chí, cùng đi một con đường, và mình đang làm việc theo lời
dạy bảo của tổ tiên thì kỷ niệm tổ tiên mới vui vẻ. Lại nếu như ngày kỷ niệm
ấy đến giữa lúc mình làm ăn khá giả... Nói tóm lại là, anh không còn chút
hứng thú nào để kỷ niệm ngày ấy cả.
— Anh không nên nói thế, anh Tom ạ. Thật ra, chẳng phải anh nghĩ thế
đâu. Bản thân anh cũng biết rất rõ rằng, nếu để ngày kỷ niệm Công ty
Johann Buddenbrook thành lập một trăm năm lặng lẽ trôi qua, thì quả là xấu
hổ vô cùng. Chẳng qua bây giờ anh đang bực bội, hơn nữa, em còn biết vì
sao anh bực bội... Mặc dù thực ra anh bực bội chẳng đúng chút nào... Nhưng
đến hôm ấy, anh sẽ vui sướng và cảm động như tất cả mọi người cho mà
xem!
Bà nói rất đúng. Ngày hôm ấy không thể lặng lẽ trôi qua được. Sau đó ít
lâu, trên báo chí có đăng một bài quảng cáo kể khá tường tận lịch sử hiệu
buôn tiếng tăm lừng lẫy này, đồng thời báo tin là ngày kỷ niệm sắp đến. Thật
ra, dù không có bài quảng cáo ấy, giới thương gia vẫn giữ phong khí đôn hậu
cũng không thể quên ngày đó được. Còn như họ hàng thân thuộc, thì cậu
Justus Kröger là người đầu tiên nhắc tới trong buổi đoàn tụ ngày thứ năm.
Bà Tony thì lại lo việc khác. Món tráng miệng vừa bê đi, bà đã trịnh trọng
bày trên cái bàn cái cặp da to tướng trong có quyển sổ ghi chép những việc
quan trọng trong gia đình mà mọi người hằng kính trọng, để tất cả mọi
người có dịp tìm hiểu tiểu sử cụ Johann Buddenbrook thứ nhất, tức là cụ cố