“Vì ta là một lão ăn mày ngu ngốc,” lão đáp. “Vì ta là lão ăn mày ngu ngốc
có trái tim mềm yếu.” Ô là la! Chết dở rồi. Lão đã lỡ miệng để lộ là mình có
trái tim. Bây giờ thì cả cái gia đình không nhà không cửa này chắc chắn sẽ
rình rập nó đây.
Bà mẹ không vui tí nào khi nghe lũ con ăn chực của lão lang thang. “Nhà ta
đâu phải ăn mày,” chị nhắc chúng. “Mẹ có công việc ổn định ở tiệm giặt, thế
là hơn đứt ông ta rồi.”
Chị lăng xăng hâm nóng súp và cắt ổ bánh mì dài vừa mang về. Lão Armand
ngồi trong cái hình chữ nhật Suzy vẽ cho, nghĩ bụng rắc rối của người phụ
nữ này chính là sự kiêu hãnh, mà sự kiêu hãnh với một cuộc sống dưới chân
cầu thật khó có thể đi chung với nhau.
Lửa gần tàn, người phụ nữ chạy đi chạy lại đến chiếc xe đẩy lấy ra những
tấm mền bị nhậy cắn thủng lỗ chỗ để trải làm chỗ nằm trên sàn bê tông.
Ngay trên đầu là xe cộ rú rít, ánh đèn phả xuống cây cầu và khách bộ hành
qua lại trên phía bờ cao buông tiếng cười vẳng xuống. Nhưng tất cả dường
như ở cách xa nhóm người nho nhỏ dưới chân cầu cả triệu dặm.
“Cô phải đưa bọn sáo đá vào một nhà tế bần nào đó cho đến khi tìm được
chỗ ở mới cho mình, cô ạ,” lão Armand đề xuất sau khi bọn trẻ đi ngủ.
“Cuộc sống như thế này không phải dành cho chúng. Nghe này, cô không
muốn chúng đến nông nỗi như tôi chứ, đúng không?”
“Một gia đình thì phải gắn bó với nhau cả lúc sướng cũng như lúc khổ,”
người phụ nữ đáp. “Mà tôi cũng có nhiều hi vọng. Sắp tới tôi sẽ đến chỗ chị
dâu tôi. Có thể chị ấy sẽ tìm một chỗ cho chúng tôi bên mạn Clichy.”
Lão Armand nằm duỗi dài trên tấm bạt, chả cần đắp gì. Lão chịu lạnh đã
quen, không còn cảm thấy nó nữa. Nhưng lão biết chắc bọn nhóc tì này thể
nào cũng lạnh. Nằm trên sàn cứng mà một ý nghĩ khó chịu cứ cắn rứt lão, cứ
như có con chuột đang dứt dứt dây giày. Bây giờ đã lỡ làm quen với với lũ
sáo đá kia rồi, cuộc đời lão sẽ không hoàn toàn là của riêng lão nữa.