“Nghĩ cảnh bọn tôi sa sút đến nước này,” chị than thở, “Các con tôi phải đến
ở đậu chỗ người gypsy.”
“Người gypsy thì đã sao?” lão Armand hỏi. “Sao cô lại nghĩ mình hơn họ
nhỉ? Cô tử tế hơn à? Hay cô độ lượng hơn?”
“Tôi trung thực,” chị lẩm bẩm qua tấm khăn.
“Trung thực thì có gì hay khi không tử tế và độ lượng cơ chứ?” lão hỏi.
Ðoạn lão dịu giọng, nói tiếp. “Có thể cô nghĩ họ là quân trộm cắp và du thủ
du thực, thưa cô, nhưng họ cũng làm việc đấy. Họ hãnh diện là những thợ
chế tác kim loại giỏi và quả thật là thế. Họ là những nghệ nhân đấy. Liệu cô
có vá được cái nồi bị cháy gần hết đáy không?”
“Họ là quân trộm cắp,” chị Calcet vẫn khăng khăng.
“Họ không có ý hại ai,” lão lang thang nói. “Họ không nghĩ ăn cắp là có tội.
Mà cô cũng hay nói về chuyện gia đình phải gắn bó với nhau. Vậy thì tất cả
chúng ta đây là một gia đình nghèo khó của Chúa, phải đùm bọc lấy nhau
mới phải chứ.”
Chị Calcet lau nước mắt. “Tôi chẳng còn nơi nào để đưa các con đi cả,” chị
thừa nhận. “Căn phòng mà chị dâu tôi nói đến, tôi không đủ tiền thuê. Ðáng
lẽ tôi phải biết ơn vì có chỗ mà ra vào mới đúng.”
Những người gypsy vui vẻ tiếp đón chị, thậm chí Mireli còn đề nghị xem
bói cho nhưng chị từ chối. Tinka mang đến cho chị một bát hầm để ăn bên
đống lửa. “Ðây là bồ câu hầm ngon lắm,” nó giới thiệu. “Chú Nikki của
cháu bắt được chúng ngoài quảng trường đấy. Chú ấy nhanh tay cực.”
Chị Calcet nhìn bát hầm với cảm giác ghê ghê, nhưng rồi cái đói đã thắng.
“Ðúng là ngon thật,” chị khen sau khi nếm thử một muỗng.
Ba đứa nhóc quây quần quanh váy mẹ.