thường phải cấy thật sớm, "chạy tố cộng". Con sông Nhỡn lòng cạn bờ hẹp
không chứa xuể nước mưa từ núi gần đổ xuống, hay nổi lụt trái mùa vào
đầu tháng chạp, có khi cuốn băng hàng trăm mẫu lúa cấy sớm. Ba má con
lại trút hết thóc giống để dành, ra giêng cấy tái giá. Liệu nhà còn giống
không, hay bị lụt lại đi vay của thằng Phổ để nó cắt cổ chục rưỡi (5)?
-----
(5)Qua một mùa lúa, mười ang phải trả thành mười lăm ang.
Má bỗng quay lại Sâm:
- Út, pha nước cho anh đi con.
Sỏi biết má sắp nói chuyện quan trọng. Má vốn không ưa cái thói bạ
đâu nói đó, thường đợi cả nhà ăn cơm uống nước xong mới bàn việc. Rõ
ràng má và Sâm hẹn nhau đón Sỏi một cách nhẫn nại; như dạo nào má và
Sỏi thì thào với nhau khi sắp tiếp bà mối hay chủ nợ. Sỏi biến thành người
khách nhiễu sự để má với em phải dè chừng.
Má thong thả kể lại những chuyện xảy ra trong tuần, từ cái đêm thằng
Phổ soát nhà và anh Dõng đến thăm. Sỏi nghe, vẫn lì lì, nhưng rất ngạc
nhiên. Chỉ đi vắng mấy ngày mà trong nhà đã có bao nhiêu biến động,
nhiều hơn cả mấy năm Sỏi ngủ nhà. Má và Sâm khác hẳn. Giọng má đĩnh
đạc, không rầu rĩ cam chịu như trước. Sâm được học chính trị với thầy
Dõng, gặp cả bác Chín Chuyền. Hôm qua bọn dân vệ còn kháo nhau: "Lão
Việt cộng đó được giá nhứt, mỗi ký thịt hai ngàn bạc", bởi địch treo giá bác
Chín một trăm ngàn đồng. Sỏi ngửng nhìn em. Sâm ra dáng người lớn hẳn,
đang ngắm Sỏi bằng cặp mắt thương và trách của người chị thấy em hư.
Nhưng Sỏi không mừng. Câu hỏi cũ vẫn bò quanh, nhức nhối. Má
chưa đả động đến việc Sỏi lãnh súng.
- Thầy Dõng nhắn gì tôi không?