Đồng bào đến đông, nhưng trong nhà họ, bản "Tóm tắt luật 10/59" in
chữ to đang phơi những lời dọa hung ác trên vách. Câu đậm nét nhất là XỬ
TỬ HÌNH VÀ TỊCH THU TOÀN BỘ GIA SẢN. Cái án chém nằm sẵn
trong nhà. Lưỡi dao máy chém lấp ló đằng sau tấm giấy chữ nhật. Họ cứ đi
mít tinh vì cái giờ ao ước, thèm khát, trông ngóng mãi đã đến. Tiếng súng
và tiếng loa của Cách mạng giữ cho họ. Sáng mai, nếu Cách mạng rút và
địch trở lại, họ có cớ để ăn nói.
Giữa đám đông còn lẫn nhiều gián điệp và người nhà bọn ác ôn, họ
phải cố giấu những mừng tủi đang bừng bừng trỗi dậy trước lá cờ đỏ xanh
sao vàng mới thấy lần đầu mà quen quá, thương quá. Đôi người ngồi đây,
trong những lúc tuyệt vọng nhất, đã từng nghĩ đến những ngày oanh liệt
đánh Tây đuổi Nhật như nhớ tuổi trẻ của mình đã qua và không bao giờ trở
lại. Họ thiết tha tìm hỏi về Cách mạng như hỏi tin người thân bị cấm cố ở
Côn Đảo, biết còn sống thì họ mừng, nhưng không dám mong được sớm
đoàn tụ. Và lúc này họ thở hồi hộp theo nhịp cờ gió rung, cúi xuống gẩy
nhẹ một giọt nước mắt vui.
Anh Bê đeo tiểu liên bước ra hô chào cờ. Đồng bào xì xầm hỏi nhau
về anh cán bộ lạ mặt mà trẻ quá. Khi Bê giới thiệu "ông Tạ Dõng, thay mặt
ủy ban Mặt trận huyện", tiếng xôn xao nổi to hẳn. Nhiều người nhổm hẳn
lên xem cho rõ anh xã đội phó kiêm giáo viên, tuy "nhảy núi" mới về
nhưng mấy năm qua không lúc nào vắng mặt vắng tên tại Kỳ Bường.
Chị Đa ghé tai má Bảy:
- Ông Dõng mập trắng ra. Ở núi ăn lá cây mà coi bộ khỏe hơn bà con
mình ăn cơm, ngủ nhà.
- Ờ, khỏe óc thì khỏe người chớ sao.
Đó cũng là một chuyện lạ của miền Nam. Ai thoát ly một thời gian
cũng trẻ hẳn lại, thường béo ra tuy ăn ngủ không bằng lúc ở nhà.