trong má đã dịu lúc nào má không rõ. Giữa những trận chống càn, lúc nguy
hiểm đến gần nhất là lúc má vụt trở nên gan góc nhất, tỉnh nhất. Tám năm
đánh giặc đã luyện cho má cái thói quen vùng lên chống cự để cứu con, cứu
mình.
Giặc sắp đến.
Má đợi chúng đến với cái bình tĩnh của Tùy và Son khi hai con má rủ
nhau xuống chặn đánh bọn Tây trắng Tây đen từ Đồng Mè càn lên. Má với
bà con không có súng, nhưng có sức mạnh của bốn ngàn người thù giặc,
theo Đảng.
Trên bót Đồng Mè lại treo hai lá cờ Pháp và ba que. Ít lâu sau cờ Pháp
kéo xuống, cờ ba que để nguyên. Hình Bảo Đại rớt xuống, hình Diệm ngoi
lên. Khắp nơi hiện ra những hình vẽ hai bàn tay túm nhau trên cái nền đầy
sọc như áo tù của cờ Mỹ, những mũi tên đỏ in hằn hai chữ đen "Bắc tiến!".
Trong cái năm đầu địch còn bối rối, cảnh sống ở Thạch Bường chưa
thay đổi bao nhiêu. Bọn quận về lựa người bất mãn với kháng chiến để lập
hội đồng hương chính xã. Lạ nước lạ cái, chúng đơm trúng những người
chẳng thơm thảo gì với chúng cả. Lão Hạnh làm đại diện hội đồng sợ nông
dân một phép. Bà con đều biết anh Sảo là cái anh giả vờ chứ không bất mãn
bất mèo gì, làm cảnh sát trưởng cho địch mà lại đứng ra kêu gọi dân làng
ký kiến nghị đòi hiệp thương giữa hai miền. Cái tên Thạch Bường của
kháng chiến bị buộc phải đổi, hội đồng xã giằng co mãi rồi đổi nó thành Kỳ
Bường.
Dẹp xong các phe phái tranh ăn, Mỹ - Diệm rảnh tay bắt đầu làm dữ.
Sau cuộc biểu tình hơn hai ngàn người lên tỉnh đòi hiệp thương, chúng bắt
ngay hội đồng xã. Lão Hạnh mới thấy người khác bị đòn đã khai tan hoang.
Lão càng khai càng bị đánh, càng bị đánh càng khai lung tung, giá hỏi cụ tổ
tám đời có theo cộng sản không, chắc lão cũng nhận rằng có. Anh Sảo chửi
địch sa sả trước khi bị cắt tiết giữa chợ. Địch bắt hơn hai trăm người trong