Ngày hẹn tổng tuyển cử sắp đến. Rải rác nhiều nơi đã hiện ra truyền
đơn, biểu ngữ của ta. Dõng đang sửa soạn một đợt đấu tranh lớn thì một cơ
sở bị đánh dữ đã khai ra anh. Dõng kịp chạy thoát lên núi. Địch xăm nhà
anh suốt bốn ngày, đào được rất nhiều cờ may tay, biểu ngữ và áp phích với
nhiều nét chữ khác nhau. Chúng biết trong xã còn nhiều cơ sở ta, quyết
đánh một trận cho trốc gốc.
Cuộc khủng bố ấy ghê gớm gấp trăm lần dạo "bể hiệp thương".
Công an, công dân vụ, cán bộ tố cộng, lính bảo an và dân vệ về đóng
chật Kỳ Bường. Ngoài đường và ở chợ Đồng Trầu chỉ còn thấy lính và trẻ
em. Trẻ em xách cơm cho người lớn bị bắt. Trẻ em đi mua rượu, đường,
thuốc "trật đả hoàn" về đổ cho cha mẹ anh chị bị tra. Rồi cũng các em ấy tự
đi mua vải trắng về bịt ngang trán, đi theo quan tài ra bãi tha ma đã đầy
những mả mới đất đỏ. Dưới vành khăn tang, những đôi mắt tròn hạt nhãn
đã sớm biết tự giữ cho khô để nhìn cho hết, nhớ cho hết.
Từ đó, đến quãng tháng sáu âm lịch, có đến ngót năm mươi gia đình
trong xã cùng làm giỗ trong vòng bốn, năm ngày. Các cụ già ở Kỳ Bường
nhớ từ khi quy dân lập ấp đến nay chưa có cái giỗ chung nào to như vậy.
Má Bảy và Tư Sỏi bị bắt. Roi ba cạnh, bình điện, rồi nước vôi, nước
ớt, nước xà phòng. Hai má con không khai gì hết. Thiếu chứng cớ, địch vẫn
giam má mười một tháng ở quận. Chúng chỉ thả má khi nhà giam quá chật.
Gia đình má bị xếp vào "tình nghi can cứu loại A", phải quản thúc tại thôn.
Chỉ chưa đầy một năm tù không án mà tóc má Bảy đang đen đã trở
bạc màu tiêu muối. Răng má rụng bốn cái. Lưng má còng xuống. Mắt má
vốn sắc nay ngả đục lờ. Các ông bà mắt kém gặp lại má đã lầm với người
khác. Má già đi nhanh quá.
Một tấm bảng gỗ đề chữ đen "gia đình cô lập" được treo trước ngõ để
đón má. Hai con vừa cười vừa khóc, thì thào kể đủ chuyện. Sau "cải cách