Thoạt nhìn, xóm làng có vẻ giàu đẹp hẳn ra.
Quốc lộ số 1, rồi đường sắt Xuyên Việt được nối lại, xe lửa sớm chiều
hú gọi khách nghe vui tai. Con đường tỉnh chạy về phía Tây Nguyên, băng
qua cả ba thôn của Kỳ Bường, được mở rộng, rải đá, xây cầu mới. Những
thứ hàng Mỹ, Pháp, Nhật, hồi trước không bói đâu ra, nay kìn kìn đổ về
chợ Đồng Trầu, bán rẻ như cá ươn. Đồng Trầu phình ra khá nhanh, thành
một thị trấn nhỏ với những mái ngói mới san sát. Trụ sở hội đồng, chợ,
trường học, nhà y tế, nhà thờ Thiên chúa giáo, chùa Phật giáo, đền miếu,
quán rượu, tiệm tạp hóa, tất cả chen chỗ nhau mọc lên đỏ tươi, trắng lốp.
Khi lập khu trù mật, hội đồng xã chỉ cần cho khoanh hai lớp rào kẽm gai và
dựng một chuỗi tháp canh là xong việc.
Nhiều gia đình giàu bốc lên: Địa chủ được lấy lại ruộng và tăng tô,
nhà buôn phất năm bảy chuyến hàng ngoại, bọn tề vét bổng lộc trong các
"chiến dịch tố cộng" và các vụ thuế. Số này đua nhau làm giàu thêm. Bỏ
vốn mua máy xát gạo, máy dập ngói, xe lam (1)hay thuyền máy chở hàng,
chỉ một năm sau đã trả xong tiền mua máy khấu dần và thu lãi bộn bề.
Chung quanh khu trù mật, ôtô suốt ngày toe toe giành đường với xe đạp
gắn máy, mùi xăng không lấn nổi mùi nước hoa từ những áo quần nilông
lòe loẹt bốc lên. Xã Kỳ Bường thường được bọn tỉnh, quận đưa khách về
thăm. Chúng dạo một vòng quanh chợ, khen là xã xuất sắc "diệt cộng kiến
quốc", thưởng thêm cho cái giấy khen treo giữa trụ sở. Mỗi năm một lần,
hội đồng xã cộng tất cả các khoản tiệc tùng, bổ xuống đầu mỗi cử tri thêm
bốn năm chục bạc thuế.
-----
(1)Tức Lambơrétta, một hiệu ô tô nhỏ có ba bánh.
Đi sâu vào các ngõ xóm, khách sẽ thấy cảnh giàu sang ấy vắng hơn,
nhưng đường sá nhà cửa vẫn gọn sạch, ưa nhìn.