Ngôi nhà gỗ lợp lá dừa nước của má Bảy được sửa sang luôn, mỗi
năm quét vôi trắng hai lượt vào dịp Tết nguyên đán và "Tết cộng hòa" 26
tháng 10. Trước nhà dựng một cổng chào gỗ mang tấm bảng tôn to kẻ khẩu
hiệu "diệt cộng là yêu nước", giá chợ 25 đồng, hội đồng mua giúp với giá
bốn chục. Với dãy chè tàu xén vuông đằng trước và dãy dừa cao nghiêng
đầu che mát mé sau, trông cơ ngơi nhà má cũng ra chiều dư dật.
Vào trong nhà, khách mới ngờ ngợ thấy hình như gia đình này có vỏ
không ruột. Ba gian nhà rỗng tuếch, chỉ kê một cái án thư què làm bàn thờ
và một bộ phản nứt nẻ. Cột kèo mọt nát, nhả bụi trắng đầy đất. Các thứ cờ
ba sọc, ảnh "Ngô tổng thống", nhãn thuốc ghẻ Ông Tiên, bìa lịch in hình
"bà Nhu" thăm dân nghèo, những tranh con gái hở hang cắt trong báo ảnh
"Thế giới tự do", tất cả gieo nhiều mảng màu vui mắt nhưng không che
được hết những chỗ rách rưới trong nhà. Mấy cái áo quần dài và đồ lót phụ
nữ bằng nilông màu, được treo ở một góc nhà có vẻ kín đáo nhưng khách
ngồi chơi dễ trông thấy, cãi nhau rõ rệt với cái bồ bị chuột cắn rách đáy mà
không đổ nắm thóc nào ra đất. Nếu xuống bếp lật vung nồi cơm ra xem,
khách sẽ thấy toàn khoai khô mốc xỉn, trên hấp một chén mắm lạo xạo
muối trắng. Khách chỉ còn biết chê gia đình này nhịn ăn mà mặc, mà ở.
Đúng như vậy thật.
Hơn ai hết, má Bảy biết những cái lố lăng rởm đời trong ngôi nhà còn
đượm hơi tay người chồng nghèo và đứa con nuôi bộ đội. Má xấu hổ không
muốn nhìn nhà mình nữa. Má chỉ ra vào dưới bếp cho đỡ ngứa mắt.
Cũng như số đông bà con Kỳ Bường, gia đình má Bảy tựa hồ đã vào
khuôn vào phép, yên phận làm ăn dưới chế độ mới. Hễ hàng xóm đánh mõ
la làng má cũng đánh mõ la làng, con má xách gậy, dây, đèn gió ra khua hờ
các bụi cây. Má tập cho con giữ miệng: Không hát nghêu ngao những bài
kháng chiến, gọi bọn tề bằng ông, vào lớp tố cộng thì "thủ khẩu như bình".
Trăm thứ đóng góp má chạy tiền nộp đủ, không để bị lôi đi học "lớp ù lì".