xã, nhét chật cái trường học và mấy nhà ngói quanh chợ. Bọn công an quận
đánh như bổ củi suốt nửa tháng chưa khắp mỗi người một lượt. Má Bảy chỉ
bị tra một trận nhẹ: mười lăm phút treo ngón tay, đánh bằng roi ba cạnh.
Chúng thả má vì không đủ chỗ giam hết những người "can tội ký hiệp
thương".
Má về nhà buổi sáng thì chập choạng tối anh Sáu Dõng đến thăm.
Dõng là thầy học lớp bốn của Sỏi rồi của Sâm. Anh đánh tiếng từ ngoài
ngõ:
- Bà này kỳ quá, có mấy chục bạc học phí mà để người ta cưỡi ngựa
tàu cau đi đòi phát ngán!
Nghe má Bảy kể một lát, anh hỏi ỡm ờ:
- Chín năm đi học, hai năm đi thi, bây giờ má thi nữa hay thôi?
Má "hứ" một tiếng, đáp ngay:
- Anh còn dạy học, tôi còn dám thi. Một chữ cũng thi, hai chữ cũng
thi. Trường nhứt không đậu thì trường nhì trường ba!
Sau đó, Dõng thỉnh thoảng đưa một người "bà con" đến gửi ở hầm bí
mật nhà má, đào hồi kháng chiến chưa lộ. Bác Hai Công, anh Sáu, chị Liên,
anh Thắng, toàn người lạ. Họ ở nhà má năm bảy ngày, đi nơi khác và
không thấy trở lại. Riêng bác Hai Công về sau có tin bị bắt. Địch làm lễ
chiến thắng to lắm, nói bác là tỉnh ủy viên "Việt cộng nằm vùng". Thằng
Phổ tự tay mổ bụng bác, đem về phơi xác một tuần giữa chợ quận. Má khóc
suốt mấy đêm, mỗi bữa xới một chén cơm để lên bàn thờ quải cơm cho bác.
Có lúc anh Dõng đi Sài Gòn, Đà Nẵng, má lại chặt lá chuối để trên bờ rào
làm ám hiệu cho anh chị em trở lại với má. Chặt gần trụi mấy bụi chuối vẫn
không thấy ai về.