- Bà con mình thấy sao?
- Đồng ý! Đồng ý!
Bê đột ngột cười xòa giữa lúc không có gì đáng cười cả. Nhưng bà con
đều cười theo, hỉ hả. Gỡ được chỗ bí rồi. Mặt trận chính trị sẽ mở, sức ta
tăng gấp đôi, Kỳ Bường không thể bị mất. Chắc chắn như vậy, vì Đảng bày
như vậy. Mấy ngàn trái tim nóng của bà con vẫn gắn liền với khối óc tỏa
sáng của Đảng, trong cái thân thể đầy vết thương là mảnh đất Kỳ Bường.
Có một điều Bê và chị Năm biết rõ nhưng không được phép nói ra để
bà con mừng: Cuộc đấu tranh có vẻ trái cựa đối với Kỳ Bường này nằm
trong đợt tiến công chính trị lớn của toàn tỉnh. Ủy ban tỉnh đồng ý với anh
Chín Chuyền, đã châm ngòi cho nó nổ sớm hơn ngày định trước. Ước
chừng mười tám vạn đồng bào sẽ kéo vào các thị xã thị trấn, vây chặt "tỉnh
đường" và "quận đường", xô vào đồn giặc, cùng chống càn với Kỳ Bường
ở cả những nơi đồng bào Kỳ Bường chưa hề đi đến hoặc nghe tên.
Đến nửa đêm má Bảy mới ra về. Sau cuộc họp thôn, "đội xung kích" ở
lại bàn với ủy ban những câu đối đáp khi gặp địch. Bê và chị Năm còn giữ
má lại một lát để giao công việc mới cho Huỳnh và Bính.
Má đi một mình trên con đường ven sông rắc đầy những lá tươi mới
rụng, cành gãy, mảnh tranh, khúc tre. Dưới bóng cây, những hạt xăng bột
của bom na pan vãi ra chưa cháy hết nổi sáng xanh lốm đốm như lá mục,
xòe lửa xanh khi bị chân chà mạnh. Từng lúc, má hoa mẩu củi than tìm
đường vòng tránh một hố bom khuất trăng. Người má nhẹ và ấm. Cái uất
ức bó tay khi ngồi trong hầm nghe súng nổ bên ngoài đã tan hẳn khi má
được ra trận với các con.
Sắp rẽ về nhà, má bỗng ngồi thụp xuống, dúi mẩu củi vào một gốc
chuối. Có thuyền qua sông. Hai, ba, bốn chiếc đò rẽ trăng sóng sánh, chở