Sâm nhớ lại được cả. Kể ra không kịp nhớ Sâm cũng nói được, bởi lâu nay
Sâm không nghĩ và làm gì ngoài những điều muốn hứa hẹn, nhưng nói vậy
chắc lủng củng lắm, các anh chị cười chết. Lại thêm vết thương ở ngực
Sâm phá quấy. Sâm đã băng cẩn thận, vào họp một lúc nó chơi ác ngấm ra
ướt áo cánh trắng. Sâm xấu hổ cứ phải ngồi chỗ khuất và cầm mũ che ngực.
Lúc bước lên Sâm đành bỏ cái mũ ra.
Trước lá cờ búa liềm thấm máu người anh ruột, giữa những đôi mắt
rưng rưng, cô du kích bần nông đã nói lời thề thiêng liêng nhất trong đời
với một mảng máu loang đỏ trên trái tim, dâng lên Đảng lòng trung thành
được tôi trong nhiều thứ lửa. Cô về chỗ mình giữa hàng đồng chí. Cô thở
một hơi thật dài sau những phút không thở, bỗng thấy vỗ trong lồng ngực
mười chín tuổi những đôi cánh én lâng lâng của mùa xuân vừa bước tới.
Rộn ràng tiếng pháo Hà Nội mừng cô lớn lên thành người cộng sản.
Chi bộ ngừng họp, vây quanh máy thu thanh nghe Bác chúc Tết. Sâm
cười ngẩn ngơ, tưởng Bác dặn riêng mình. Sâm nắn nót chép thơ Bác vào
trang trắng chừa sẵn trên đầu cuốn sổ thơ đã đầy sáu chục trang. Nghĩ một
lát, Sâm đề thêm dưới góc trang: "Kỷ niệm ngày sanh thứ hai". Sâm ngửng
lên, bắt gặp anh Bê đang nhìn Sâm tủm tỉm, khẽ gật đầu.
Sau buổi lễ, anh Dõng đọc mấy nghị quyết về cán bộ. Tư Sỏi được về
tiểu đoàn của tỉnh cùng với bốn mươi thanh niên tòng quân trong đợt ba.
(Sỏi cười một cái cười đến mang tai. Năn nỉ mãi!) Sâm và Chuân cùng lên
xã đội phó. (Cả hai cùng giật thót. Làm ăn sao đây...) Ủy ban Mặt trận tỉnh
điều chị Ơn về làm công tác tôn giáo. (Chị Năm Tân gãi mũi, lo thiếu người
thay chị Ơn trong ủy ban Mặt trận xã). Cuối cùng là bức thư hỏa tốc của
tỉnh ủy vừa đến cách nửa giờ, rút đồng chí Bê đi nhận công tác mới, rất
gấp. Cả chi bộ đều sững sờ.
Anh Dõng gãi mái tóc bàn chải mới cắt để "ăn nói với bà con thị xã",
tần ngần thêm: