- Đồng chí Bê đi đâu, chi bộ ta không cần biết làm gì. Có điều nên đi
thiệt êm. Các đồng chí cứ nói là lên học trên khu để bà con đỡ tiễn đưa.
Qua vài tháng sẽ đưa tin cấp trên lấy luôn, công tác vùng núi. Về sau, thỉnh
thoảng đồng chí ấy sẽ gửi thơ nhờ chi bộ ta giúp đỡ một số việc. À, ví dụ
như... đưa người về đây mở lớp huấn luyện, đặt nơi liên lạc, lấy cơ sở hợp
pháp đi đây đi đó... Các đồng chí phải hết sức giúp, đừng đợi ý kiến của
huyện mà trễ...
Các đồng chí mỉm cười, nhìn Bê thương thương. Họ đoán ra Bê sắp
nhận việc gì. Đồng chí bí thư trẻ tuổi đã gắn với chi bộ và nhân dân đến cái
mức nhiều người ngạc nhiên khi nghe nhắc rằng Bê mới về Kỳ Bường chưa
đầy một mùa đông, lại chưa từng ở Kỳ Bường bao giờ. Lòng mến phục đã
tạo cho Bê thời gian và máu mủ.
Bê phải đi ngay sau cuộc họp, chiều mồng hai Tết mới trở lại để bàn
giao, kiểm điểm. Bị vây giữa những tiếng xuýt xoa thăm hỏi, Bê chỉ kịp rỉ
vội vào tai Sâm: "Đợi anh tối mồng hai".
Trong hai ngày Tết, Sâm bận tíu tít, nhưng từng lúc cái ý nghĩ "anh Bê
đi xa", chợt nhói lên, và Sâm ngây người ra mất một hồi. Rồi hai cái ngày
chống chếnh cầu treo ấy cũng qua. Sâm vừa dự họp gấp với chi bộ để góp ý
với anh Bê. Nghe anh tự phê mà Sâm phát bực, cái gì cũng thiếu sót cả, y
như bài kinh của chị Ơn "lỗi tại tôi mọi bề"! Chị Năm ghi biên bản, phải
dồn cho "ông ấy" gần hai trang ưu điểm nữa để ông ấy chừa cái tật công
người tội ta...
Ngoài ngõ, chị Năm chợt gọi vào giữa lúc Sâm đứng trong buồng diễn
thuyết với muỗi và chị em tập múa ngoài sân:
- Vô coi được không các ả?
Tiếng Trấu rất oai:
- Chị vô được. Đàn ông cấm vô.