biển mà nghèo đói. Cha ta cần cù khắc khổ, tưới mồ hôi cho mềm đá kiếm
ăn. Mẹ ta rọc lá trầu héo làm ba, bửa cau làm sáu. Con ta chỉ được ăn cơm
trắng mỗi năm mấy ngày giỗ tết. Nghe chuyện làm chơi ăn thật trong Nam
Bộ mà thèm, nhưng đi thì chẳng muốn đi. Đất của ta uống nhiều mồ hôi,
ngấm nhiều máu, đã thành một phần thân thể ta, sẽ có ngày đất trả ơn
người.
Thế rồi dòng nhớ lại đẩy một mũi gai xoay ngược trong lồng ngực.
Ôi quê hương! Quê ta nằm dưới kia, ngay trước mắt, tưởng như kêu to
một tiếng thì vợ ta nghe thấy, duỗi tay ra có thể xoa được tóc con. Quê ta
nằm bên ta đó, nhưng nằm trong tay giặc. Nhà ta chúng đốt rồi. Vợ con ta
bị đày rồi. Đồng chí ta liên tiếp bị chặt đầu mổ bụng. Bốn tỉnh tự do cũ của
ta bị băm vằm, cắn xé. Rẻo cát ven biển Đông thêm trắng với khăn tang của
những người vợ tìm xác chồng, cuốc hú họa mỗi nơi có dấu mới đào. Miền
Nam đang chảy máu qua tất cả các lỗ chân lông. Sao ta còn phải nằm đây?
Những người lên núi lần lượt xuống đồng bằng. Họ chọc thủng những
hàng rào gai và đạn, xuyên về vùng sâu, bám dân, quần với địch, nhen
nhóm lại phong trào. Mạng lưới cơ sở bị cắt phá chỗ này, lại lan rộng phía
khác. Các đồng chí trẻ lớn lên, thay thế lớp cán bộ đi trước thưa dần trong
những trận đánh không súng đạn...
Nền mây trắng đục từ từ hé. Những luồng nắng đẫm hơi nước xòe
xuống nhiều ngón tay hồng vuốt trên các xóm dừa cau. Mặt sông động lung
linh, ruộng nước dát vàng, biển xa cuốn và trải lớp bọt viền trắng bạc.
Đồng bằng đẹp dần lên như biết có người thân đang ngắm. Cho đến hòn
đảo ngoài khơi, chân chìm trong mù, cũng nhô cao đầu để nhắc rằng đất
còn ra tận đây. Trong tiếng lao xao của lá núi có một chút rì rầm của biển
vỗ gửi về. Thật thế chăng, hay vì đôi tai của người miền Trung quen nghe
cả gió ngàn lẫn sóng biển gọi từ hai bên?