Trong những năm khó khăn nhất, một số cán bộ vùng xuôi khu Năm
phải lánh lên núi. Đồng bào Thượng đã nuôi và giữ nguyên vẹn cái vốn quý
ấy của miền Nam. Lịch sử sẽ đời đời ghi công ơn của những người con
đóng khố cởi trần đã giữ vững miền núi khi ta chưa nổ súng. Giặc chỉ
chiếm được đồng bằng...
Nhưng, giặc đã chiếm đồng bằng.
Các đồng chí người Kinh ngày phát rẫy, đêm nằm vây quanh đống lửa
rừng. Họ nhớ đồng bằng, nhớ tỉnh nhà.
Kể cũng lạ. Thế đất chẳng khác nhau mấy, nhưng mỗi tỉnh đồng bằng
khu Năm lại có một giọng nói, một nguồn giàu có, một truyền thống cách
mạng riêng hẳn. Các tỉnh anh em ruột rất giống và rất khác nhau ấy cùng
dàn hàng ngang đánh giặc cả mặt trước lẫn mặt sau, bồi đắp cho nhau như
các màu họp lại thành bức tranh đẹp, vẽ bằng lời trong đêm thao thức.
Chỉ cần một đồng chí nhắc đến con gái Phú Yên cưỡi ngựa trên Đồng
Bò, lập tức người khác nhớ con gái Bình Định "múa roi đi quyền", con gái
Quảng Ngãi chém lốp xe Nhật, con gái Quảng Nam quật đòn gánh diệt Tây.
Bữa cơm thiếu muối gợi nhớ miếng cùi dừa và tấm đường phổi, bát canh
mít non nấu với cá chuồn, đĩa chuối chát chấm mắm nêm, những chút
hương riêng của xóm nghèo. Rồi vui miệng họ nhại nhau từ "mô tê răng
rứa" đến "bộ đậu ăn ẩu". Rồi những kỷ niệm chung quanh đoạn đường sắt
độc nhất của nước Việt Nam kháng chiến, với những đầu máy rách và cầu
sửa cheo leo. Rồi hát. Ca bài chòi, hò giã gạo, hát chèo đò. Một cánh buồm
phồng trắng gió Tây lừ lừ trôi trên một dòng sông nào đó rất trong - Thu
Bồn hay Đà Rằng thì cũng một chiều nước chảy, một lòng cát mịn - với cô
gái tóc chải dầu dừa đung đưa bàn chân phải theo nhịp chèo, ghé những bến
không giống nhau dọc đường từ nguồn xuống biển, đi dần vào im lặng...
Lửa tàn. Tất cả lặng im như không ngủ. Mỗi người đang sống tiếp với
quê hương những phút cuối cùng trong ngày. Quê ta nằm giữa tiền rừng bạc