Bê vội xách tiểu liên chạy theo. Anh Chín kéo ống quần bà ba rộng,
lội dọc theo con suối đá trơn, nhanh đến nỗi Dõng và Bê theo anh cứ trượt
sấp ngửa. Cơ quan huyện nằm giữa rừng già, gần hai làng dân tộc Co.
Đồng bào vùng này đâm trâu ăn thề, đứt đầu cũng quyết nuôi cán bộ.
Đường vào cơ quan là con suối nhỏ không có tên trên bản đồ, tự xóa các
dấu chân qua lại.
Lội chừng nửa cây số, ba người ra khỏi rừng. Đến một đám rẫy cũ
chằng chịt những gai mâm xôi, anh Chín gỡ mấy con vắt bám chân, trèo lên
một tảng đá đen. Một mỏm núi thấp hiện ra như đầu ngựa trước mặt người
cưỡi. Dưới kia, ruộng đồng trải rộng. Rồi đến biển xanh ngút tầm mắt, tỏa
ánh xanh tạo nên bầu trời.
Đó, đồng bằng miền Trung.
Biển và núi hẹn nhau chỉ nhường cho người một rẻo đất phẳng làm cái
cầu nối hai vựa thóc của Tổ quốc. Một dải đồng bằng mảnh mai, len lỏi,
mới phình ra được như cái bánh quai vạc đã lập tức bị bóp lại còn bằng sợi
bún, vay xong lập tức phải trả. Dọc xương sống vốn không nhiều thịt. Trên
hàng ngàn cây số của cái hành lang mở nước, người Việt chỉ thấy biển đằng
Đông, núi đằng Tây, và dưới chân sỏi cát nhiều hơn đất dẻo.
Các tỉnh đồng bằng miền Trung chia nhau từng khúc đường vào Nam.
Chia rất công bằng: tất cả đều có núi, đồng, sông, biển. Các huyện nữa
cũng thích kiểu nằm bậc thang, gối đầu lên núi và duỗi chân đến biển. Một
số tỉnh họp lại được gọi là khu Năm. Một con số hẹn nhau mà gọi. Một con
số khi mới đặt ra không gợi lên cái gì rõ rệt. Lửa kháng chiến đã khắc con
số ấy bằng dao nung đỏ vào lịch sử dân tộc. Con số ấy biến thành tên của
quê hương, nằm sâu trong tim của mấy triệu đồng bào đồng chí. Đau xót,
thương nhớ, vui mừng, kiêu hãnh được gửi đến khu Năm: tình người làm
con số ấy sống như người.