Anh Chín đứng im trên mỏm đá. Gió thổi ngược từ chân núi lùa lên,
gạt những sợi tóc trắng trên cái trán hói nhiều vì suy nghĩ.
Sáu năm qua anh Chín bám chắc đồng bằng. Anh chỉ thỉnh thoảng về
núi họp, lại trở xuống ngay. Các đồng chí trong tỉnh ủy gọi anh là "chuyên
gia đồng bằng". Số chuyên gia ấy không nhiều. Không còn nhiều. Mỗi sơ
hở nhỏ lấy đi vài đồng chí. Anh còn sống vì anh không mắc những sơ hở
đó. Những kinh nghiệm lâu năm và lặp đi lặp lại đã biến thành thói quen,
thành bản năng, thành một thứ linh tính khó nói ra, nó giữ anh sống và giúp
anh làm được việc. Một dạo anh để râu dài, kiếm đủ giấy tờ, sống hẳn trong
vùng địch. Về sau bị lộ, anh lại ngày nằm hầm, đêm công tác. Qua kẽ phên
liếp, nắp hầm mở hé, lỗ chuột khoét mái nhà, anh nhìn những chuỗi người
ôm chiếu xách nồi đi "tố cộng". Tiếng rú của đồng bào bị đánh vẳng xuống
hầm anh cùng với tiếng xăm đất thình thịch. Anh nghe những lời căm giận,
rầu rĩ, trách móc nữa từ miệng các cơ sở gặp anh trong đêm không trăng.
Và cũng như tất cả những người Việt Nam, tất cả những người trên trái đất
yêu Việt Nam, anh Chín nghĩ: Làm sao giành lại chính quyền?
Anh đã trình bày trước tỉnh ủy ba kế hoạch khác nhau nhằm giật lại
đồng bằng từ tay giặc. Mỗi tháng mỗi năm qua, các kế hoạch ấy lớn lên,
thêm da thịt. Hễ được lệnh, tỉnh ủy có thể kéo quần chúng nổi dậy ngay.
Tỉnh ủy đã reo vỡ nhà - đồng chí bí thư ôm anh Chín mà vật - khi nhận
được chỉ thị đồng khởi cùng với những kinh nghiệm vàng ngọc của Bến
Tre. Các đồng chí càng mừng khi thấy mình nghĩ đúng hướng: Kế hoạch
của trên không khác mấy so với bản kế hoạch số một của tỉnh ủy. Và hôm
nay, những kế hoạch ấy sắp hiện lên thành cuộc sống.
Dõng đứng bên anh Chín cũng nhìn không chớp mắt, nhưng anh chỉ
xem kỹ vùng mình phụ trách. Đó là bốn xã nằm dọc con đường ô tô từ chân
núi xuống biển, mang những cái tên dễ nhớ: Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Bường,
Kỳ Hải. Núi, rừng, đất bằng, đến biển ngay.
Anh Chín hỏi đột ngột: