Chu Sa Lan
Giặc Bắc
Hồi 8
GIỮA ĐƯỜNG GẶP CỨU TINH
Gồm có hai huyện Lê Gia và Uy Viễn, châu Đại Hoàng là một vùng núi
non chập chùng và rừng cây ngút ngàn. Địch Lộng sơn ở phia bắc chừng
mười bốn dặm. Núi Kiệm Lộng cũng ở phía bắc chừng mười chín dặm nhìn
ra sông Hát. Núi Thổ Tích ở phía tây độ ba mươi dặm. Mã Yên Sơn cách
Đại Hoàng mười hai dặm về phía tây. Núi Quai Điểu hay núi Kim Kê nằm
cách Đại Hoàng mười hai dặm về phía tây. Động Xuyên Thủy mà người
dân địa phương còn gọi là Hang Luồng nằm về phía tây mười dặm đường.
Núi Đa Giá cách Đại Hoàng ba dặm về hướng bắc có rất nhiều hang động.
Núi Bái Lĩnh ở địa phận các xã Phúc Lại, Sinh Dược. Rồi núi Đông Khê
nối liền với núi Long Triều. Núi Đại Hữu ở cách Đại Hoàng chừng hai
mươi ba dặm về phía tây bắc. Riêng động Hoa Lư, nơi chôn nhau cắt rún
của Đinh Tiên Hoàng đế nằm cách châu Đại Hoàng ba mươi ba dặm về
hướng tây bắc thuộc địa phận các xã Uy Viễn, Uy Tế và Đại Hữu. Đây là
vùng bốn mặt núi đá la liệt, ở giữa có một khoảnh đất rộng chừng mười
mấy mẫu, có một con suối chảy qua hai thôn Tri Hối và Sào Lộng rồi đổ
vào hạ lưu của sông Hoàng Giang.
Kẻ cầm sổ giang hồ thong thả cất bước trên con đường đất đỏ từ Uy Viễn
về Hoa Lư thành. Mưa rơi rả rích. Con đường đất lầy lội và trơn trợt vì cơn
mưa từ đêm hôm qua cho tới trưa hôm nay vẫn chưa tạnh.
Chân mang giày rơm, đầu đội nón tơi, vũ phục màu lam cũ mèm, gói hành
lý nhỏ trên vai, y cúi đầu đều bước. Dường như bận suy nghĩ chuyện gì y
không màng nhìn ngắm phong cảnh hùng vĩ và ngoạn mục của núi rừng.
Y hơi ngoảnh đầu nhìn lại khi thoáng nghe tiếng vó ngựa xa xa. Sức ngựa
chạy nhanh khôn tả. Mới thoáng nghe mà đã thấy bóng một cỗ xe đen xì
vùn vụt lao tới.
- Tránh đường... Tránh đường...
Miệng la, tay vung chiếc roi dài gã phu xe điều khiển cỗ xe phi nước đại.