Một giải pháp cho hai vấn đề
H
ãy nhớ lại những năm 2005, 2006, 2007. Khi đó, thị trường chứng
khoán còn non trẻ của chúng ta đã béo phì một cách kỳ lạ. Hầu như giá cổ
phiếu của bất cứ công ty cổ phần nào, dù lớn hay nhỏ, đã đăng ký trên thị
trường chứng khoán hay chỉ giao dịch ngoài thị trường (OTC), cũng đều
gia tăng vùn vụt. Có những cổ phiếu mà giá thị trường tăng gấp 60 lần
mệnh giá. Trong quá trình tăng trưởng vô tiền khoáng hậu đó, thị trường
chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng tạo nên những nhà giàu mới, trẻ
tuổi. Có người chỉ trong vòng một hai năm từ hai bàn tay trắng trở thành
những triệu phú đô la. Thị trường chứng khoán Việt Nam lúc đó là sân chơi
lý tưởng cho các quỹ đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư cá nhân trong và
ngoài nước. Có lúc chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.000 điểm. Nguồn
vốn đầu tư gián tiếp (FII) đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, đến mức các
ngân hàng thiếu tiền đồng để mua. Đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh
không kém. Một làn gió lạc quan thổi vào nền kinh tế Việt Nam, tạo nên
những kỳ vọng mới và những tiên liệu về cơ hội đầu tư mới. Và nó cũng
đồng thời làm căng phồng hết mức quả bong bóng giá địa ốc trên thị trường
bất động sản Việt Nam.
Quả thật, vào thời điểm đó, không nhà đầu tư - và đầu cơ - bất động sản
nào, chuyên nghiệp hay không chuyên, có điều kiện tài chính (và điều kiện
sử dụng đòn bẩy tài chính) lại không tranh thủ nắm lấy cơ hội có một
không hai này để thực hiện mơ ước làm giàu. Họ đang có mọi thứ. Một
chính sách nhà đất được cải thiện, cởi mở và ổn định hơn trước. Một hệ
thống ngân hàng đang say sưa với giá cổ phiếu ngân hàng gia tăng chóng
mặt và nhìn thấy triển vọng lớn lao của thị trường bất động sản và chứng
khoán. Đông đảo những nhà giàu mới đang có nhu cầu về nhà ở cao cấp, và
những người dư dả tiền bạc muốn sở hữu nhà đất hơn là vàng hay đô la.
Triển vọng phát triển đầu tư nước ngoài kéo theo sự gia tăng nhu cầu về