nước cũng cần được xây dựng, hoàn chỉnh và mở rộng cho các nhà đầu tư,
các định chế tài chính nước ngoài. Với sự lớn mạnh của các thị trường này,
Chính phủ và các công ty xí nghiệp của nước ta có thể dần dần huy động
được các nguồn vốn nước ngoài - nhất là từ các nhà đầu tư chứng khoán -
để xây dựng hạ tầng cơ sở và thực hiện các dự án phát triển trung và dài
hạn.
Song song với việc mở cửa thị trường tài chính nội địa cũng cần thiết lập
các biện pháp phòng ngừa hoạt động xuất nhập vốn mang tính chất đầu cơ
giữa các nước trong khu vực. Quan trọng hơn, việc tăng cường kiểm soát,
thanh tra hệ thống các ngân hàng trong nước nhằm đảm bảo một thị trường
tiền tệ, tín dụng lành mạnh và công khai cũng là một yếu tố then chốt để
hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài.
Thị trường vốn châu Á đang thật sự lớn mạnh và có nhiều tín hiệu cho
thấy nó có khả năng mang lại phồn vinh kinh tế cho các nước thành viên.
Không những thế, một số “tay chơi” trên thị trường - những con hổ châu Á
như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cùng với Nhật Bản - đang là những
nhà “xuất khẩu tư bản” sang châu Mỹ và châu Âu. Các nguồn vốn đầu tư
luôn luôn tìm đến nơi nào có hiệu quả cao hơn, an toàn hơn và điều này có
nghĩa là các nước đang phát triển ở châu Á không những phải cạnh tranh
với nhau để thu hút nguồn vốn đầu tư mà còn phải cạnh tranh với phần còn
lại của thế giới.
Các chiến lược kinh tế đối ngoại phải thay đổi. Cấu trúc tài chính của
mỗi nước cũng phải thay đổi. Nhưng có một chân lý không thay đổi: một
nước sẽ thành công khi nước đó biết trân trọng và sử dụng tốt nguồn đầu tư
- tiết kiệm của nước ngoài và một nước chỉ trân trọng và sử dụng tốt tiết
kiệm của người khác khi chính mình biết tiết kiệm.
Tháng 1/1995