gia thị trường. Phát biểu gần đây tại Hội thảo về Hiệu quả Thương mại
(Trade Efficiency) do UNCTAD (Hội nghị Thương mại và Phát triển thuộc
Liên hợp quốc) tổ chức vào trung tuần tháng 10/1994 tại Columbus, Ohio,
Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros Boutros Gali khẳng định: “Nếu
những nước đang phát triển không thể tham gia vào thế giới mới của nền
mậu dịch quốc tế, nhiều cơ hội sẽ bị mất đi, cơ hội cho các thương nhân
của họ, cho nhân dân họ và cho thế giới. Nếu những nước đang phát triển
bị gạt ra ngoài thế giới mới của nền mậu dịch toàn cầu, chính nghĩa của
phát triển và từ đó của hòa bình và ổn định sẽ bị thương tổn”.
Nếu không thể đứng ngoài lực cuốn của dòng chảy, phương sách tốt nhất
là nương theo sức mạnh đó để tìm đến bến bờ thịnh vượng cho chính mình
thay vì bị nhấn chìm dưới dòng chảy. Đạt đến bến bờ thịnh vượng có nghĩa
là tạo được ngày càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong
nước và làm cho thu nhập của mỗi người dân ngày càng cao hơn. Đây là
một điều kiện không dễ dàng trên thị trường cạnh tranh quyết liệt. Để tồn
tại trên thị trường, phải bán được hàng do người trong nước làm ra. Muốn
vậy, chất lượng sản phẩm phải tốt hơn và giá rẻ hơn. Muốn chất lượng sản
phẩm tốt, phải có công nghệ tốt. Nhưng nếu trình độ công nghệ ngang nhau
thì lương thấp (dẫn đến giá thành rẻ) là ưu thế hơn hẳn. Lợi thế tương đối
của một nước nghèo, trớ trêu thay, nằm ở chỗ mức lương thấp tức là ở ngay
cái nghèo của nước đó. Nếu có thể tận dụng tốt ưu thế này (mức lương thấp
và lao động siêng năng, chịu khó học hỏi), chúng ta có thể tiếp nhận được
công nghệ mới. Một phúc trình về chuyển biến kinh tế ở châu Á gần đây
(tháng 8/1994) của Trung tâm Tài chính Quốc tế Nhật Bản đã nhận định
“Sự gia tăng lương bổng bắt đầu tại các nước công nghiệp mới (NICs) như
Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore từ thập niên 1980 đang lan
rộng sang các nước ASEAN khác như Thái Lan, Malaysia. Sự gia tăng
lương bổng này sẽ làm tăng tốc độ chuyển dịch các ngành công nghiệp chế
tạo đơn giản như dệt, may mặc, chế biến thực phẩm sang các nước như Việt
Nam, các đảo nhỏ thuộc Indonesia và vùng nội địa Trung Hoa”.