Bộ máy quản lý hành chính được định nghĩa là một tập hợp các hoạt
động, dưới quyền lực và sự kiểm soát của Chính phủ, nhằm đảm bảo việc
duy trì trật tự công cộng và thỏa mãn nhu cầu lợi ích công cộng hoặc là một
tập hợp các cá nhân hay pháp nhân thực hiện những chức năng hành chính.
Như vậy, chức năng cơ bản của bộ máy hành chính là chức năng quản lý.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến triển của xã hội, Nhà nước ngày càng can
thiệp nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, thậm chí tự mình thực hiện các
hoạt động này. Việc xây dựng các hoạt động kinh tế nhà nước (kinh tế quốc
doanh) trong chế độ xã hội chủ nghĩa có mục tiêu là đảm bảo hiệu quả và
đảm bảo việc phân phối một cách công bằng các kết quả của lao động. Cho
đến nay, các mục tiêu này không đạt được vì các hoạt động kinh tế của nhà
nước bị đồng hóa với hoạt động quản lý hành chính, các tổ chức làm kinh
tế của Nhà nước được coi như tổ chức chính quyền hay bộ phận của tổ
chức chính quyền, thậm chí giám đốc của một xí nghiệp quốc doanh được
coi như đại diện của chính quyền. Chính việc thư lại hóa
(bureaucratisation) các hoạt động kinh tế Nhà nước đã làm mất hiệu năng,
mất khả năng sáng tạo, sự năng động cần thiết của hoạt động sản xuất kinh
doanh, và làm tiêu tan tầng lớp doanh nhân của đất nước.
Việc ban hành quy chế công chức nhà nước là bước tiến cơ bản trong
việc phân định chức năng hành chính và chức năng kinh tế của Nhà nước.
Tuy nhiên, sự phân định này chỉ có thể trở nên thực sự rạch ròi trên cơ sở
của luật pháp. Các tổ chức công (thực hiện các chức năng hành chính) là
đối tượng của công pháp, bao gồm luật hành chính, còn các công ty xí
nghiệp quốc doanh (thực hiện hoạt động kinh tế) là đối tượng của tư pháp
bao gồm dân luật, luật thương mại và bình đẳng với tất cả các thành phần
kinh tế khác.
Năm 1994